Bãi rác Cam Ly còn phải 'gánh' cho Nhà máy rác Đà Lạt đến bao giờ?

28/08/2019 20:05 GMT+7

Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) hoạt động không đúng như cam kết, nhưng tại sao Lâm Đồng không có biện pháp chế tài, mà vẫn phải đưa rác đến bãi rác Cam Ly chôn lấp?

Tại buổi họp báo ngày 28.8, do Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng tổ chức, nhiều phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh việc xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (Nhà máy rác Đà Lạt) hoạt động không đúng như cam kết, nhưng tại sao tỉnh Lâm Đồng không có biện pháp chế tài, mà vẫn phải đưa rác đến bãi rác Cam Ly chôn lấp?

Núi rác Cam Ly đổ ập xuống khu sản xuất rau hoa của dân Đà Lạt

Buổi họp báo định kỳ do Sở TT-TT Lâm Đồng tổ chức

Lâm Viên

Có dấu hiệu không minh bạch về tài chính?

Như Thanh Niên đã phản ánh, Nhà máy rác Đà Lạt (đóng tại xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh làm chủ đầu tư) có tổng vốn đầu tư trên 381 tỉ đồng, giai đoạn 1 đã đầu tư trên 155,3 tỉ đồng, trong đó Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỉ đồng, vay ưu đãi từ quĩ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng 71 tỉ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 32,6 tỉ đồng…

Cổng vào nhà máy rác

Lâm Viên

Bằng chuyền xử lý rác

Lâm Viên

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP.Đà Lạt, nhà máy rác do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh làm chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các nội dung đã cam kết trong báo cáo tác động môi trường. Chủ đầu tư có nhiều hạn chế về tiến độ thực hiện, về đầu tư máy móc, công nghệ và cả tài chánh; chỉ mới đưa 1 dây chuyền phân loại xử lý rác và 3 lò đốt đi vào hoạt động với công suất 80 tấn/ ngày.
Báo cáo của UBND TP.Đà Lạt ngày 27.8.2019 ghi rõ: "Công ty có dấu hiệu không minh bạch về tài chính trong quá trình triền khai dự án. Đoàn kiểm tra của các sở, ngành, phòng ban nhiều lần yêu cầu công ty cung cấp sổ sách, tài liệu, chứng từ nhưng công ty đã cung cấp thiếu, chủ yếu là bản photo công chứng nên không thể xác định được tính hợp pháp cũng như tính chính xác của chứng từ tài chính".
Tại buổi họp báo, ông Bùi Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lâm Đồng, thừa nhận sau 4 năm đưa vào vận hành, Nhà máy rác Đà Lạt chỉ mới đáp ứng được 40% công suất thiết kế. Các sở ngành liên quan và UBND tỉnh Lâm Đồng nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh nhanh chóng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền thứ hai để vận hành đạt công suất thiết kế xử lý 200 tấn rác/ ngày.

Chính quyền nói... "chờ"

Giải thích "Vì sao không có biện pháp chế tài với nhà máy rác tại TP.Đà Lạt?", ông Lâm cho rằng chủ trương chung là khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, nên Lâm Đồng tạo điều kiện, đồng thời thúc đẩy chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết.

Nhếch nhác trong nhà máy rác ở TP.Đà Lạt

Lâm Viên

Nơi chế biến sản phẩm phân bón vẫn chưa hoạt động

Lâm Viên

Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, cho rằng việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải rất khó, hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng ngoài Nhà máy rác Đà Lạt thì ở TP.Bảo Lộc có 1 nhà máy xử lý rác.
Theo ông Hải, trong quá trình xử lý rác thường cho ra các sản phẩm phụ kèm theo như phân bón, gạch block, dầu PO&RO…để nhà máy có thêm nguồn thu. Thế nhưng do lượng rác ở Đà Lạt không nhiều chỉ 220 tấn/ ngày, ở Bảo Lộc và H.Bảo Lâm khoảng 150 tấn/ ngày, chưa kể nguồn rác không phù hợp khiến các nhà máy khó tạo ra sản phẩm phụ. Đây cũng là khó khăn cho nhà máy.
Về vấn đề này, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng cũng như các tỉnh thành khác đều mong muốn kêu gọi được những nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực xử lý rác theo công nghệ tiên tiến để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với nhà máy rác, tỉnh Lâm Đồng họp bàn rất nhiều lần, nhưng không phải điều gì muốn cũng được.

Rác sau phân loại tồn đọng tại nhà máy rác tại TP.Đà Lạt

Lâm Viên

Ông Đồng cho biết thêm: “Nội bộ của chủ đầu tư nhà máy rác  đang có những mâu thuẫn, tranh chấp, và đang trong quá trình giải quyết nên tỉnh cũng phải…chờ!”.
Theo ông Đồng, khả năng thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác là chuyện "không mong muốn". Ông Đồng cho biết Lâm Đồng hy vọng chủ đầu tư sớm giải quyết xong các mâu thuẫn nội bộ để tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, đưa nhà máy rác vận hành đạt công suất thiết kế là xử lý 200 tấn rác/ngày.
Khi nào Nhà máy rác Đà Lạt đi vào hoạt động đúng công suất, lúc đó bãi rác Cam Ly sẽ đóng cửa, không còn phải xử lý kiểu chôn lấp gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.