'Bài tập' về nhà đặc biệt cho học sinh nghỉ tết

28/01/2022 10:15 GMT+7

Nhớ ngày còn đi học tiểu học bọn học sinh chúng tôi rất mong chờ được nghỉ tết để vui chơi thỏa thích.

Nghỉ tết, thích nhất là được bố mẹ dắt đi mua sắm quần áo, giày dép mới, rồi phụ giúp mẹ, anh, chị gói bánh tét, đóng bánh in, rim mứt dừa, đổ bánh bông lan, làm dưa kiệu, đêm 30, thức châm nước, thêm củi cho nồi bánh tét chờ đón giao thừa... Sách vở, bút viết đều được cất vào tủ gọn gàng và chỉ nhớ mẹ bảo: “Giao thừa nhớ lấy vở, sách ra học để năm mới sẽ học giỏi hơn”!

Học sinh Trường tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang, Khánh Hòa) trong các hoạt động vui tết cổ truyền

Lê đức dương

Hiện nay do cuộc sống đã đổi thay nhiều, đời sống ngày càng được nâng cao nên rất ít gia đình phải mất thời gian công sức để chuẩn bị tết vì thế các em có rất nhiều thời gian nghỉ tết mà không phải làm gì. Chính vì vậy một số trường, thầy cô giao bài tập về nhà trong dịp tết do lo học sinh chơi game, lướt Facebook, xem điện thoại, ti vi nhiều sẽ xao lãng việc học, quên kiến thức…

Việc giao bài tập về nhà tạo ra áp lực không đáng có cho học sinh sau một học kỳ học tập căng thẳng, nhất là các em ở nhà học trực tuyến một thời gian dài. Do vậy những ngày nghỉ ngày tết, không nên giao bài tập cho học sinh mà để các em có thời gian giúp đỡ ba mẹ vệ sinh, dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón tết...

Tuy nhiên, mỗi giáo viên và cả phụ huynh đều có cách giao "bài tập" về nhà cho học sinh trong tết mà không gây áp lực.

Là giáo viên dạy môn lịch sử - giáo dục công dân, thường trước khi nghỉ tết năm nào tôi cũng đều giao nhiệm vụ cho học sinh: “Hãy kể đặc trưng ngày tết quê em” để giúp học sinh tìm hiểu nét đẹp ngày tết, không quên truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.

Trẻ phụ lau lá dong gói bánh chưng ngày tết

b.v

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên gia đình, họ hàng… Để tết có nghĩa với các em, nên chăng thầy cô hướng các em vào những hoạt động “Xuân yêu thương; Tết sum vầy; Xuân bình an” để sẻ chia, tặng quà những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với học sinh mồ côi cha, mẹ vì dịch bệnh Covid-19 trong năm qua để có cái tết ấp áp nhân ái, mà rất nhiều trường đã thực hiện.

Riêng đối với các bậc phụ huynh, tết là cơ hội để dạy các em biết những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công ông Táo (23 tháng chạp), cúng tất niên, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét, bánh chưng, dựng cây nêu ngày tết… Những điều này giúp các em có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng tết cổ truyền của dân tộc ta, nhất là những học sinh thành phố.

Đó chính là những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần được gìn giữ phát huy để những giá trị đó được trường tồn, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, không đánh mất bản sắc văn hóa trong thời buổi hội nhập thế giới ngày nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.