Bài toán khu ổ chuột nan giải của các nước châu Á

05/03/2017 15:46 GMT+7

Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh ở châu Á chật vật với bài toán hóc búa đến từ sự bùng nổ kinh tế: người dân đổ xô về thành phố và nhiều trong số họ phải sống trong các khu ổ chuột.

Theo Bloomberg, có khoảng 55% dân cư đô thị sống trong các khu ổ chuột ở Campuchia. Tại Mông Cổ, Myanmar và Philippines, tỷ lệ này lần lượt là 43%, 41% và 38%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) vốn theo dõi tình hình kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. Ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, tỷ lệ dân đô thị sống trong ổ chuột là hơn 20%. Ba nước kể trên là ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong bối cảnh đô thị hóa lớn, nhiều người dân đổ xô về các thành phố và số dân vượt quá khả năng cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ cần thiết của chính phủ. Ở những nơi như Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia), nhiều ngôi nhà bất hợp pháp và được xây dựng không theo kế hoạch mọc lên để cung cấp chỗ ở cho hàng triệu lao động, những người là nhân tố thúc đẩy kinh tế.
“Các khu ổ chuột mới nổi là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang phát triển và cơ hội thường tập trung nhiều tại thành phố. Dù vậy, chính phủ các nước không thể bắt kịp trong việc cung ứng đủ nhà ở. Người dân có nhu cầu được cải thiện chính sách sử dụng đất và được tạo điều kiện tiếp cận tài chính mua, thuê nhà”, chuyên gia đô thị Makiko Watanabe thuộc WB cho hay.
Các nước đang phát triển có thể quan sát thành công của những nước như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản - những cái tên từng chật vật với khu ổ chuột trong quá khứ. Tại Singapore, chính phủ đã chuyển mình đất nước từ một thị trấn nông thôn rộng lớn sang một đảo quốc quốc tế hiện đại ngày nay bằng việc xây dựng nhà ở giá rẻ.
Một phương án khác là chính phủ các nước có thể tăng cường trung tâm đô thị bên ngoài những thành phố chính, bằng cách xây dựng trường học, bệnh viện, đường cao tốc, sân bay để khuyến khích đầu tư thêm. Từ Bắc Kinh đến Bangkok, chính quyền đang cố gắng giải quyết sức hút của các đô thị chủ chốt, những nơi vốn hấp dẫn phần lớn người lao động và đầu tư.
“Nếu bạn thành công trong việc xây dựng các trung tâm kinh tế khu vực, bạn có thể phân tán bớt dân số, ông Watanabe nói. Chuyên gia này cho biết thêm quan điểm các khu ổ chuột là gánh nặng cho chính phủ, xã hội cần được thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.