Sức mạnh kinh tế vẫn đi về châu Á bất chấp nỗ lực của Tổng thống Trump

13/02/2017 11:01 GMT+7

Bài viết dưới đây là góc nhìn của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore về sự dịch chuyển từ tây sang đông của sức mạnh kinh tế thế giới.

Tháng trước là lời nhắn dành cho hãng sản xuất máy điều hòa, tháng này là thông điệp gửi đến các nhà sản xuất ô tô. Như vậy tính đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tốt cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử là nhắm vào các doanh nghiệp có sử dụng nguồn lao động ngoài nước Mỹ.
Ông Trump từ lâu tuyên bố rằng mình muốn ngăn chặn hoạt động sản xuất ở nước ngoài rồi nhập khẩu vào Mỹ bằng cách tái đàm phán các thỏa thuận thương mại “không công bằng”, gây sức ép công ty có trụ sở ở Mỹ hồi hương việc làm từ ngoại quốc.
Giữa bối cảnh Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), chủ nghĩa dân tộc lên cao ở châu Âu và cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra tại Mỹ, đã có nhiều bài viết về mối đe dọa mà chủ nghĩa dân túy gây ra cho tăng trưởng thương mại thế giới và các tổ chức kinh tế quốc tế được thiết lập hậu Thế chiến thứ hai. Có nhiều lý do giải thích vì sao các nước hướng nội. Nhiều người đổ lỗi cho bất bình đẳng kinh tế tại các nền kinh tế phát triển. Nhiều người đổ lỗi cho hoạt động gia công ở nước ngoài và sự đổi mới công nghệ.
Giáo sư kinh tế Danny Quah và Hiệu trưởng Kishore Mahbubani thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho rằng chủ nghĩa dân túy đi lên là vì bất bình đẳng thu nhập cải thiện trên toàn cầu. Hồi thập niên 1990, khoảng cách thu nhập giữa những nền kinh tế mới nổi và những nước thuộc khối các nền kinh tế lớn G7 là 70%. Khoảng cách này thu hẹp xuống dưới 14% năm 2016 và sẽ biến mất vào năm 2020.
Tổng GDP của các nền kinh tế mới nổi ngày càng tăng trọng lượng so với tổng GDP của các nước G7 Ảnh chụp màn hình trang Quartz
Ông Mahbubani và Quah cho rằng việc quyền lực kinh tế, trong đó có sức mua, đi từ các nước giàu hơn sang nhiều nền kinh tế mới nổi và các nước Đông Á đang là vấn đề đáng lo ngại với người dân những nước phát triển.
Những người Mỹ bình thường thường quan tâm rằng họ hoặc ít nhất là các lãnh đạo mà họ lựa chọn có thể chịu trách nhiệm, viết luật chơi. Người dân ở các nước khác giờ đây cũng bắt kịp suy nghĩ này và những gì hiện có trên trường quốc tế là một tương lai thế giới, nơi không nước nào là đặc biệt hay không thể thiếu.
Chỉ có thời gian mới xác định được sự thay đổi trên. Tuy vậy, tâm lý chống toàn cầu hóa hiện đặt ra vài câu hỏi cho châu Á, khu vực mà tính đến thời điểm này phần lớn hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Nếu chủ nghĩa trọng thương nghiệp quay lại và thương mại toàn cầu giảm tốc, liệu trục có xoay về châu Á? Nếu phương Tây lùi lại trong việc đưa ra các biện pháp quốc tế, liệu các nước khác có thay thế họ làm điều này?
Có ý kiến cho rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã và đang tăng trưởng chỉ vì hàng xuất khẩu sang Mỹ, và tiêu dùng hiện quá yếu để duy trì tăng trưởng bền vững trong khu vực châu Á. Song cũng như nhiều nền kinh tế khác và như nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra, khi thu nhập sau thuế tăng trưởng, tiêu dùng cũng đi lên.
Công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn ở thị trấn Long Hoa, phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Reuters
Changyong Rhee, Giám đốc châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Nhu cầu trong nước vẫn còn khá mạnh trong cả khu vực và được hỗ trợ bởi thu nhập thực tế đi lên”. Nhu cầu từ bên ngoài sẽ không được hỗ trợ vì thất bại của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động của việc Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế. Song có một điều không thể phủ nhận: kinh tế châu Á sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu vì thị trường mới nổi và thị trường cận biên tiếp tục tăng trưởng.
“Nếu Mỹ hướng nội, có lẽ vì họ nghĩ rằng thương mại giúp họ thua còn nước khác thắng, thì các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tìm kiếm những biện pháp bảo đảm khác”, ông Quah nói. Thực tế, Trung Quốc hiện có phạm vi lớn hơn để thúc đẩy thương mại với các đối tác trong khu vực. Các kênh thương mại châu Á chạy khá sâu và sẽ mạnh mẽ hơn nếu phát kiến “Một vành đai, một con đường” và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực thành công.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal, Phó chủ tịch mảng sản xuất kỹ thuật số John Dulchinos tại Jabil, nhà cung cấp linh kiện cho các hãng như Apple và Electrolux, cho rằng khu vực châu Á gần Trung Quốc hiện có một chuỗi cung ứng điện tử thật sự mạnh. Đây còn là nơi cho phép các doanh nghiệp mở rộng một cách nhanh chóng.
Dù là ở Mỹ hay châu Á, các ngành công nghiệp thành công giờ đây sẽ là những ngành sử dụng tốc độ, tính chính xác của máy móc để giúp con người làm việc tốt hơn. Châu Á đã học được bài học này khi khu vực hiện là trung tâm sản xuất tiên tiến và logistics phức tạp của thế giới. Dù là ở phương Đông hay phương Tây, các doanh nghiệp khôn ngoan sẽ luôn tìm cách tận dụng cơ hội dành cho họ. Xét khía cạnh này, châu Á hiện có rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.