Sự thay đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ với Trung Quốc gây bất ngờ cho không ít người. Chỉ mới 2 tháng trước, ông tạo ra cú sốc đầu tiên cho Trung Quốc khi có cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Trong chiến dịch tranh cử, ông tự mô tả mình như một chuyên gia đàm phán sẵn sàng dùng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc để đạt lợi ích cho Mỹ. Tiếp sau đó, ông để ngỏ khả năng sử dụng "lá bài" Đài Loan để thương lượng với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, những lời lẽ này không hề được ông Trump nhắc đến trong cuộc điện đàm hôm 9.2 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump thay vào đó tuyên bố tôn trọng chính sách "một Trung Quốc", theo đó coi Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc, theo CNN.
tin liên quan
Tổng thống Trump điện đàm Chủ tịch Tập, đồng ý tôn trọng chính sách 'một Trung Quốc'Theo đề nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump qua cuộc điện đàm tối 9.2 đã đồng ý sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
Ông Trump sẵn sàng thay đổi quan điểm trong khi không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào của Trung Quốc. Thay vào đó, ông quay lại những tuyên bố quen thuộc lâu nay như khuyến khích sự hợp tác và ổn định tại Biển Đông, giảm nhẹ mối đe doạ từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sự thay đổi của Tổng thống Mỹ được ông Matt Goodman, cố vấn cấp cao về kinh tế châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) mô tả là bất ngờ.
Chuyên gia Goodman cho rằng bước đi này của Tổng thống Trump dường như được các cố vấn tại Nhà Trắng đề xuất. Tạp chí Newsweek cũng dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ tân ngoại trưởng Rex Tillerson là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ông Trump mềm hoá quan điểm về Trung Quốc.
The New York Times cho biết ông Tillerson, người ủng hộ chính sách "một Trung Quốc", có mặt tại Nhà Trắng vào hôm 9.2, trước khi cuộc điện đàm diễn ra. Giám đốc dự án Năng lực Trung Quốc tại CSIS, bà Bonnie Glaser cho rằng cái giá cho việc từ chối cam kết tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" là quá lớn và ông Trump đã bị thuyết phục.
|
Chiến thắng của ông Tập?
Sau khi cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo diễn ra, tờ The New York Times ngày 10.2 dẫn bình luận của nhiều nhà phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình đã dẫn trước ông Trump trong nước cờ đầu tiên.
Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại đại học Nhân dân (Bắc Kinh) và là cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá ông Trump sẽ bị coi là "hổ giấy", và việc ông ta thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" sẽ được hiểu là chiến thắng to lớn nhờ công lao của ông Tập.
Ông Trump cứng rắn, nhưng Trung Quốc lại càng cứng hơn khi coi vấn đề chủ quyền đối với Đài Loan là không thể đàm phán. CNN dẫn tin đồn từ giới ngoại giao tại thủ đô Washington cho rằng Chủ tịch Tập thậm chí không đồng ý điện đàm với ông Trump nếu Tổng thống Mỹ không cam kết sẽ tôn trọng chính sách của nước này với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan bấy lâu nay.
tin liên quan
Ông Trump lần đầu đối thoại với Chủ tịch Trung QuốcTổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng kiên nhẫn chờ đợi khi ông Trump liên tục có các cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước sau khi nhậm chức nhưng không có động thái gì về phía Trung Quốc. Và sự chờ đợi đó mang lại kết quả khi chính quyền Trump là bên ngỏ lời trước và gửi thư cho ông Tập một ngày trước cuộc điện đàm.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White tại đại học quốc gia Úc cũng nhận định rằng bước đi của ông Trump đã làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ. "Người Trung Quốc sẽ cho là ông ấy yếu đuối. Ông ấy củng cố cảm giác tại Bắc Kinh rằng 'ông Trump không nghiêm túc trong việc kiểm soát mối quan hệ Mỹ-Trung'", ông White cho hay.
Khó đoán
Dù bị đánh giá là thua keo đầu, nhưng hành động của ông Trump ít ra cũng giúp giảm căng thẳng với Trung Quốc và tạo điều kiện cho việc đối thoại về các vấn đề khác.
Điều này được Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định sau cuộc điện đàm của hai lãnh đạo. Bắc Kinh nói rằng muốn hợp tác với Washington về nhiều vấn đề, gồm cả thương mại.
Chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Hồng Kông, ông Willy Lam dự đoán với CNN rằng Bắc Kinh sẵn sàng thương lượng và thoả hiệp đối với các vấn đề thương mại, dù tỏ ra cứng rắn về vấn đề chủ quyền.
tin liên quan
Chủ tịch Trung Quốc điện đàm với ông Trump: 'Hợp tác là lựa chọn duy nhất'Trong cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump ngày 14.11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng hợp tác là sự lựa chọn duy nhất cho mối quan hệ hai nước.
Tuy vậy, hai bên không nêu rõ sẽ hợp tác như thế nào, trong khi vẫn còn nhiều nghi ngờ về ý định của ông Trump tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì một cuộc điện đàm không thể nói lên điều gì.
"Ông Trump không cam kết bất kỳ chính sách đặc thù nào với Trung Quốc hoặc với nước nào khác. Vậy nên 'sự hợp tác' cũng có thể bị bỏ đi bất cứ khi nào thích hợp", giám đốc Peter Jennings của Viện chính sách chiến lược Úc nói với The New York Times.
Ông Yan Xuetong, trưởng khoa quan hệ quốc tế đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) kết luận dè dặt: "Ngay cả khi ông Trump nói ông ấy sẽ ủng hộ chính sách 'một Trung Quốc', Trung Quốc cũng không thể hoàn toàn tin tưởng ông ta".
Bình luận (0)