Bài toán lãi suất ở đề thi toán mã đề 109 có nội dung đơn giản như sau:
Câu 16: Một người gửi tiết kiệm vào một ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Biết rằng nếu không rút tiền ra khỏi ngân hàng thì cứ sau mỗi năm số tiền lãi sẽ được nhập vào vốn để tính lãi cho năm tiếp theo. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu năm người đó thu được (cả số tiền gửi ban đầu và lãi) gấp đôi số tiền gửi ban đầu, giả định trong khoảng thời gian này lãi suất không thay đổi và người đó không rút tiền ra?
A. 12 năm. B. 10 năm. C. 9 năm. D. 11 năm.
Nhiều giáo viên dạy toán cho rằng phần dẫn của đề chưa rõ ràng nên 4 phương án trả lời không có phương án nào đúng. Mặc dù sau đó Tổ ra đề của Bộ GD-ĐT có phản hồi, giải thích và khẳng định : "Câu 16 mã đề 109 quen thuộc với học sinh, tương tự câu hỏi và bài tập ở Sách giáo khoa Giải tích lớp 12, trang 78, có đáp án hoàn toàn chính xác” nhưng ý kiến cho rằng đề chưa đúng vẫn tiếp tục diễn ra.
tin liên quan
Tiếp tục tranh cãi về câu hỏi tính lãi suất trong đề thi THPT quốc gia
Toán nhằm phục vụ đời sống nên cứ thử hỏi chuyên gia tài chính một câu trong đề thi môn toán về cách tính lãi suất đang gây tranh cãi xem thử trong cuộc sống thật người ta giải quyết bài toán này như thế nào.
Một người bạn chuyên tư vấn tài chính cá nhân trả lời ngay: Cái này đâu cần công thức gì cho phức tạp. Bọn tôi khi tư vấn cho khách hàng đều dùng nguyên tắc 72 để tính. Tức có một món tiền, muốn nó tăng gấp đôi cần bao nhiêu năm thì cứ lấy con số 72 chia cho lãi suất là ra ngay.
Nhẩm tính thấy ông này nói đúng; giả thử có 100 triệu, đầu tư vào một nơi có lãi suất 15%/năm thì sau 4,8 năm (72/15) sẽ có 200 triệu (con số chính xác là 4,959). Quy tắc 72 này chỉ có sai số trong khoảng 0,2. Dĩ nhiên khi cần tính cho chính xác, dân tài chính có những máy tính chuyên dùng, bấm vào là ra kết quả ngay, chẳng hạn ở đây (http://financeformulas.net/Doubling_Time.html).
Dùng cách “tính rợ 72”, ta có số năm cần thiết để số tiền gởi tăng gấp đôi với lãi suất 7,5%/năm là 9,6 còn dùng máy tính trực tuyến trên để giải đề cho chính xác, ta có 9,584 năm. Học sinh ắt sẽ dùng cách giải đã học trong sách giáo khoa.
Với kết quả này thì đề thi có sai không (khi toàn là số tròn) và nếu không sai thì phải chọn phương án nào?
Cũng với ông bạn chuyên gia tài chính ở trên, ông ấy nói ngay: Người ta hỏi “sau ít nhất bao nhiêu năm” thì cứ thế mà trả lời; 9 năm chưa đủ, 10 năm là đủ và còn dư ra một ít, vậy câu trả lời là sau ÍT NHẤT 10 năm chứ gì nữa. Câu dẫn của đề viết như thế là chính xác, đâu có gì sai! Sửa thành ÍT NHẤT GẤP ĐÔI hay VƯỢT QUÁ GẤP ĐÔI thì 10, 11 hay 12 năm đều đúng cả.
Cứ đem câu này ra hỏi một học sinh trung học ở các nước khác, nhất là các nước có dạy môn kinh tế nhập môn, chắc các em sẽ dễ dàng chọn đáp án B: 10 năm vì đã được học về lãi đơn, lãi kép.
Chuyện cải cách chương trình học sao cho gần với thực tiễn đời sống hơn còn quan trọng và cấp bách hơn nhiều chuyện chẻ sợi tóc làm tư để bàn đề thi đúng hay sai.
Bình luận (0)