Bạn bị cắt lương, giảm thu nhập? Coi chừng chết sớm!

Kiều Oanh
Kiều Oanh
09/01/2019 00:18 GMT+7

Bị mất nguồn thu nhập, bị cắt giảm lương - cả hai đều làm tăng gấp đôi nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch cũng như chết sớm.

Kết luận kể trên làm kinh ngạc cả các nhà khoa học. Xưa nay ai cũng biết các vấn đề lo lắng, căng thẳng - trong đó tiền bạc thường là một trong những mối bận tâm hàng đầu của cuộc sống - ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Nhưng ảnh hưởng đến mức như nói trên thì rất bất ngờ.
Tiền bạc là một trong những vấn đề hàng đầu gây stress trong cuộc sống Shutterstock
 
Cụ thể, bị mất nguồn thu (thường là do mất việc) hoặc cắt giảm thu nhập (phổ biến nhất là do đổi việc) làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, bao gồm những chứng nguy hiểm dễ dẫn tới mất mạng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim…
Cùng lúc, các tổn thất tiền bạc cũng làm tăng gần gấp đôi nguy cơ chết sớm.
Tần suất bị giảm thu nhập càng nhiều, nguy cơ càng cao đối với cả hai vấn đề bệnh lý tim mạch và chết sớm.
Sự ngạc nhiên càng gia tăng khi nhóm người tham gia nghiên cứu còn rất trẻ, chỉ từ 23 đến 35 tuổi.
Được biết, các rắc rối liên quan đến sức khỏe tim mạch xảy ra phổ biến hơn ở người già so với người trẻ.
Kết luận được đưa ra sau cuộc nghiên cứu trên 4.000 người trong vòng 15 năm trời.
Báo Time dẫn lời giáo sư Tali Elfassy của Đại học Miami (Mỹ), đồng tác giả cuộc nghiên cứu giải thích việc giảm sút thu nhập thường làm gia tăng căng thẳng. Mà căng thẳng thường làm gia tăng béo phì -yếu tố nguy cơ cao cho bệnh lý tim mạch cũng như cao huyết áp.
Khi thu nhập thấp hơn thì người ta cũng quan tâm đến sức khỏe ít hơn, ít có cơ hội kiểm tra sức khỏe hơn.
Ngoài ra, các thống kê cho thấy nhóm có thu nhập thấp cũng thường hút thuốc nhiều hơn và ít tập thể dục hơn - đều làm gia tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi nhóm tuổi, kể cả người trẻ đều phải quan tâm đến việc kiểm soát stress tốt hơn để bảo vệ chính mình.
Họ cũng cho rằng bác sĩ tim mạch, tâm lý, tâm thần cũng cần thăm hỏi tình hình thu nhập của bệnh nhân để có lời khuyên, phác đồ điều trị hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.