Bàn cãi vài tháng, EU vẫn chưa thống nhất giá trần khí đốt Nga
Liên minh châu Âu (EU) ngày 13.12 đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc áp giá trần khí đốt Nga trên toàn khối, và vướng mắc tập trung quanh câu hỏi liệu biện pháp này có thể xoa dịu khủng hoảng năng lượng ở EU hay không.
Tự động phát
Đáp lại yêu cầu từ một số quốc gia, Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp trần giá khí đốt vào tháng trước, nhằm ứng phó với biến động kinh tế xuất phát từ việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong năm nay khiến giá năng lượng tăng đột biến.
Song do các nước thành viên EU vẫn bất đồng về mức giá trần, cuộc họp của các bộ trưởng tại Bỉ hôm 13.12 đã không đưa ra được quyết định cuối cùng.
Theo Reuters, họ sẽ phải nhóm họp một lần nữa vào ngày 19.12 với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận.
Sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng quá trình vẫn chưa hoàn tất. Không phải tất cả các câu hỏi đều có thể được trả lời hôm nay".
Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Czech Jozef Sikela, người chủ trì cuộc họp, cho biết ông có "cảm giác tốt" rằng các thành viên có thể đạt được nhất trí vào tuần tới về mức giá trần.
Đức, Áo và Hà Lan đã cảnh báo rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể khiến khí đốt không còn được bán cho châu Âu và hoạt động của các thị trường năng lượng bị gián đoạn.
Các nước khác, bao gồm Hy Lạp, Bỉ, Ý và Ba Lan, lại yêu cầu mức trần mà họ cho rằng sẽ bảo vệ nền kinh tế của mình trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
"Các công dân châu Âu đang chật vật, các doanh nghiệp châu Âu đang đóng cửa và châu Âu đang tranh luận một cách không cần thiết", Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas nói trước cuộc họp.
Cộng hòa Czech - nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - đã soạn thảo một đề xuất mới hôm 13.12. Theo đề xuất này, EU sẽ kích hoạt việc áp trần giá khí đốt Nga nếu giá bán khí đốt vượt quá 200 euro cho 1 megawatt giờ (MWh) trong ba ngày theo hợp đồng tháng trước trên nền tảng giao dịch trực tuyến Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan.
Đề xuất mới nhất thấp hơn trần giá 275 euro/MWh do Ủy ban châu Âu đề xuất, nhưng một số quốc gia ủng hộ việc áp trần giá khí đốt Nga cho biết mức giá này vẫn còn quá cao.
Cả hai phe ủng hộ và phản đối việc áp trần giá trong EU đều có thể có đủ phiếu bầu để ngăn chặn bất cứ thỏa thuận nào.
Pháp có thể có tiếng nói quyết định trong các cuộc đàm phán cuối cùng. Ba nhà ngoại giao ở EU cho biết Paris ban đầu ủng hộ việc áp trần giá, nhưng tuần trước đã bày tỏ lo ngại về tác động có thể có của quyết định này đối với thị trường tài chính.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cảnh báo rằng mức trần giá được đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính.
Bình luận (0)