Hôm qua (10.6, theo giờ VN), Bộ Tư pháp Mỹ gỡ niêm phong một bản cáo trạng dài 49 trang dành cho cựu tổng thống nước này Donald Trump, cáo buộc ông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia bằng cách giữ các tài liệu quốc phòng và hạt nhân tối mật sau khi rời Nhà Trắng vào tháng 1.2021. AFP dẫn nội dung bản cáo trạng cho hay cựu Tổng thống Trump đã mang hàng trăm tài liệu mật của chính phủ Mỹ đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida.
Đối mặt 37 tội danh
Theo bản cáo trạng, ông Trump đã giữ nhiều tài liệu mật, trong đó có những hồ sơ từ Lầu Năm Góc, CIA và Cơ quan An ninh quốc gia, mà không được bảo mật tại Mar-a-Lago, nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện xã hội lớn.
"Các tài liệu mật mà ông Trump lưu trữ trong các hộp bao gồm thông tin liên quan đến khả năng phòng thủ và vũ khí của Mỹ và nước ngoài", bản cáo trạng viết. Những tài liệu khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Mỹ, những lỗ hổng tiềm ẩn của Mỹ và đồng minh trước cuộc tấn công quân sự cùng với các kế hoạch trả đũa.
Cựu Tổng thống Trump tiếp tục bị truy tố
Bản cáo trạng còn nêu trong ít nhất 2 dịp, ông Trump đã đưa tài liệu mật về hoạt động và kế hoạch của quân đội Mỹ cho những người không được phép xem tại câu lạc bộ golf của ông ở thị trấn Bedminster (bang New Jersey). "Việc tiết lộ trái phép tài liệu mật này có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ, các mối quan hệ đối ngoại, sự an toàn của quân đội Mỹ và các nguồn nhân lực", bản cáo trạng nêu.
Trong bản cáo trạng, ông Trump đang đối mặt với 37 tội danh riêng biệt, bao gồm 31 tội danh "cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng" liên quan các tài liệu cụ thể. Một bản án cho mỗi tội danh có thể lên đến 10 năm tù. Ông còn đối mặt những tội danh khác như cố cản trở công lý, có thể bị phạt tới 20 năm tù, và đưa ra tuyên bố sai sự thật.
Ngoài ra, trợ lý Walt Nauta của cựu Tổng thống Trump đã bị chỉ định là đồng phạm, bị truy tố với 6 tội danh giúp ông Trump cất giấu các tài liệu ở nhiều địa điểm trong Mar-a-Lago, như phòng khiêu vũ, phòng tắm và cả phòng ngủ của ông Trump, theo bản cáo trạng.
Phản ứng của ông Trump
Bản cáo trạng trên đưa ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với cáo buộc hình sự liên bang và người đưa ra bản cáo trạng lịch sử này chính là công tố viên đặc biệt Jack Smith, theo AFP. Ông Smith hôm qua cho hay ông sẽ tìm cách đảm bảo rằng phiên tòa xét xử về vụ tài liệu mật sẽ diễn ra nhanh chóng.
Ngay cả khi bị kết án, ông Trump vẫn có thể nhậm chức
Ông Trump sẽ xuất hiện tại tòa án ở TP.Miami (Florida) vào ngày 13.6 để nghe cáo trạng về vụ tài liệu mật. Dự kiến sẽ không có phiên tòa xét xử nào về vụ án bắt đầu trong vài tháng và không có gì ngăn cản ông Trump tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng lần nữa trong khi ông đối mặt với các cáo buộc, theo AFP.
Nếu đắc cử tổng thống lần nữa, ông Trump có khả năng sẽ tự ân xá cho mình. Nhưng nếu điều đó xảy ra sẽ là một động thái pháp lý gây tranh cãi và chưa có tiền lệ. Các chuyên gia pháp lý cho rằng sẽ không có cơ sở nào để ngăn chặn việc ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngay cả khi ông bị kết án và bị đưa vào tù, theo Reuters.
Ông Trump đã đáp lại bản cáo trạng bằng cách lên mạng xã hội Truth Social của mình gọi ông Smith "loạn trí" và là "tên ghét Trump". "Theo Đạo luật Hồ sơ tổng thống, tôi được phép làm tất cả những điều này. Không có phạm tội", ông Trump viết tiếp. Trong một video được công bố ngày 8.6, ông Trump cũng tuyên bố mình vô tội và coi bản cáo trạng là sự can thiệp bầu cử của Bộ Tư pháp, bị Tổng thống Joe Biden lạm dụng.
Tổng thống Biden hôm qua cho hay ông không có bình luận nào về vụ việc, theo Reuters. Ông Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần khẳng định Bộ Tư pháp đang hành động độc lập trong cuộc điều tra về ông Trump.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa cáo buộc rằng cuộc điều tra về ông Trump là có động cơ chính trị, trong bối cảnh ông đang tham gia cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa để thách thức ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, theo Reuters.
Bình luận (0)