'Giàu hai con mắt', đôi mắt là tài sản trân quý của mỗi người. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự chú trọng bảo vệ đôi mắt của mình hay chưa?
Theo số liệu thống kê đã được công bố, hiện VN có khoảng 500.000 người mù cả hai mắt, số người bị mù một mắt là trên 1 triệu. Riêng nhóm người trên 50 tuổi, có trên 2,2 triệu người bị tổn hại chức năng thị giác. Cũng theo các thống kê ngành y, các nguyên nhân chính gây mù ở người cao tuổi thường là đục thủy tinh thể (chiếm đến 70%), cườm nước, thoái hóa hoàng điểm tuổi già và ảnh hưởng từ bệnh toàn thân. Như vậy, đục thủy tinh thể được coi là thủ phạm hàng đầu gây mù, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Trong khi đó, có một thực tế đáng báo động là có tới 1/3 dân số VN chưa bao giờ khám mắt. Theo điều tra của Viện Mắt T.Ư, chỉ 51% người được hỏi biết thị lực của bản thân. Còn tới 30% người dân chưa bao giờ đi kiểm tra mắt, kiểm tra thị lực.
Thủy tinh thể là gì ?
PGS-TS-BS Trần Hải Yến, Phòng khám mắt Hải Yến (TP.HCM), cho biết thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm trong nhãn cầu. Đây là một thành phần quan trọng của hệ quang học mắt, có chức năng như một thấu kính hội tụ với công suất khoảng 20 đi ốp, cho phép ánh sáng đi qua hội tụ vào võng mạc tạo nên hình ảnh sắc nét và tham gia quá trình điều tiết của mắt. Vậy khi nào thủy tinh thể bị đục?
Theo bác sĩ Hải Yến, khi thủy tinh thể mất đi tính trong suốt tự nhiên gọi là đục thủy tinh thể, dân gian hay gọi là cườm khô. Đục thủy tinh thể sẽ ngăn cản tia sáng lọt vào mắt, võng mạc không nhận được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù.
Ai dễ bị đục thủy tinh thể ?
Có nhiều đối tượng dễ bị đục thủy tinh thể, trong đó, theo bác sĩ Hải Yến, những người sau đây dễ bị bệnh nhất: Thứ nhất là những người sử dụng thuốc tự ý không có chỉ định của bác sĩ, nhất là nhóm thuốc steroids. Thứ nhì là những người có bệnh lý toàn thân phải sử dụng nhóm steroids toàn thân trong quá trình điều trị: bệnh lupus đỏ hệ thống, viêm khớp mãn tính. Những người mắc các bệnh lý chuyển hóa toàn thân như đái tháo đường... cũng dễ bị đục thủy tinh thể.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể khác như: hút thuốc lá, làm việc hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt mà không đeo kính chắn tia cực tím, làm việc tiếp xúc trực tiếp với ánh đèn hồ quang, tia lửa hàn...
Về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Hải Yến cho biết có các nhóm sau: Đục thủy tinh thể bẩm sinh và đục thủy tinh thể do quá trình lão hóa chung của cơ thể. Khi tuổi cao, thủy tinh thể trở nên kém trong, giảm khả năng đàn hồi và dày hơn. Sự lão hóa khiến các protein bị đông đặc, khu trú trong giai đoạn đầu và sau đó phát triển dần làm đục toàn bộ cấu trúc thủy tinh thể. Và như đã đề cập ở trên, đục thủy tinh thể thứ phát do thuốc hoặc các bệnh lý toàn thân gây nên như đái tháo đường...
Làm sao biết mình bị bệnh ?
Bác sĩ Hải Yến cho hay, biểu hiện dễ gặp nhất là hiện tượng nhìn mờ. Thường thì bệnh nhân sẽ thấy mờ dần, lúc đầu mờ ít, tăng dần sau nhiều tháng, năm, đến lúc mờ nhiều có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Đục thủy tinh thể không gây ra nhìn mờ đột ngột hoặc trong thời gian ngắn. Vào ban đêm hoặc
trong môi trường thiếu sáng, người bị đục thủy tinh thể sẽ nhìn khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn có một số dấu hiệu như: nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt khi ra nắng; nhìn thấy hào quang xung quanh ánh đèn; nhìn một thành hai. Khi thấy một trong các dấu hiệu trên, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh việc tự chữa trị theo các thông tin tìm được ở trên mạng.
Phòng ngừa được chăng ?
Đục thủy tinh thể tuổi già do tuổi tác là một tiến trình tự nhiên, không có phương pháp nào phòng ngừa để không bị đục thủy tinh thể nhưng chúng ta có thể thực hiện một số phương pháp để làm chậm tiến triển của bệnh lý này, theo bác sĩ Hải Yến. Một số trường hợp đục thủy tinh thể do sử dụng thuốc không đúng hoặc do bệnh lý toàn thân thì có thể phòng tránh được.
Một số phương pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể theo lời khuyên của bác sĩ gồm: không hút thuốc lá; ăn nhiều chất chống ô xy hóa như đậu lăng, hành, tỏi, rau bina, đậu, hạt tươi; phát hiện và điều trị bệnh toàn thân, đặc biệt là bệnh đái tháo đường; đeo kính râm chắn tia cực tím; đeo kính bảo hộ đúng quy cách khi phải làm việc với ánh đèn hồ quang, tia lửa hàn; không tự ý sử dụng các thuốc có thành phần steroids.
Khi nào cần phẫu thuật ?
Điều trị duy nhất hiệu quả là phẫu thuật. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật khi thị lực bị suy giảm làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt hằng ngày như xem ti vi, đọc sách báo, đi lại khó khăn, không thể tự đi lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản hằng ngày. Trong một số trường hợp đục cực sau, tuy thị lực chưa giảm nhiều trong điều kiện ánh sáng trong phòng nhưng bệnh nhân thấy chói và thị lực giảm rõ rệt trong điều kiện ánh sáng chói như khi đi ngoài trời, chói đèn xe ban đêm gây nguy hiểm cho việc lái xe...
Khi không có bệnh lý về võng mạc, thần kinh đi kèm, một ngày sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, thị lực sẽ được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân nhìn rõ hơn, sáng hơn; độ nét và tinh tế sẽ ổn định một tháng sau phẫu thuật.
Làm gì sau phẫu thuật ?
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân được đặt một thủy tinh thể nhân tạo vào trong nhãn cầu và sẽ không có tình trạng bị tái đục thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, một thời gian sau phẫu thuật, một số bệnh nhân có thể nhìn mờ hơn một chút là do tình trạng đục bao sau. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh cần đến khám tại cơ sở chuyên khoa mắt và được thực hiện thủ thuật nhỏ là dùng tia laser xử lý phần bao bị đục, thị lực sẽ phục hồi trở lại, bác sĩ Hải Yến cho biết.
Ngoài ra, người bệnh nên tái khám định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm các bệnh mắt liên quan đến tuổi già như thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc các bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến mắt như đái tháo đường, cao huyết áp. Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe tổng quát nhằm phòng ngừa các bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến mắt.
Bình luận (0)