Ban đại diện cha mẹ học sinh: Tồn tại hay không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/09/2024 05:45 GMT+7

Cứ vào năm học mới lại dấy lên tranh luận về sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ học sinh với những ý kiến trái chiều.

Thực tế có những ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) lớp hoạt động hiệu quả, song hành cùng nhà trường chăm lo cho các em, nhưng cũng có những "hạt sạn" khoét sâu thêm ấn tượng không tốt của số đông phụ huynh về ban này.

Gốc rễ của tiêu cực có phải từ ban đại diện CMHS? Phụ huynh có thể cùng chung tay để xây dựng môi trường học tập cho con em mình như thế nào?

"LÀM ĐƯỢC VÀI THÁNG TÔI XIN RÚT"

Anh T.A, đang có con học lớp 5 thuộc một trường có tiếng tại Q.1, TP.HCM, kể lại khi con gái anh vào lớp 1, anh được bầu là phó ban đại diện CMHS, nhưng chỉ sau vài tháng anh xin rút. "Tôi không phủ nhận vai trò của những anh chị trong ban đại diện CMHS lớp khi hỗ trợ các em tổ chức các hoạt động như vui trung thu, văn nghệ, liên hoan cuối năm, cùng chăm sóc các con trong các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ban đại diện này thường làm các việc sau: tuân thủ mọi yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm, hạn chế hỏi, hạn chế phản biện; ban đại diện 4-5 người hoạt động cục bộ, thống nhất trước trong nhóm và triển khai theo kiểu chụp mũ mấy chục phụ huynh còn lại; bênh và khoe con trong các buổi họp, có người khéo léo, có người lộ liễu".

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Tồn tại hay không?- Ảnh 1.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần song hành cùng nhà trường, giúp các con có môi trường học tập vui vẻ, hạnh phúc đúng nghĩa

ẢNH: THÚY HẰNG

Anh T.A cho rằng việc tồn tại của ban đại diện CMHS là không cần thiết bởi cô giáo, nhà trường đều có các kênh để liên lạc, thông tin, trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Tất cả các thông tin công khai giáo dục cũng đã có trên cổng thông tin điện tử trường học, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT. "Tôi có cảm giác những ai vào ban đại diện là họ muốn bảo vệ quyền lợi cho con của họ chứ không phải bảo vệ quyền lợi chung của hàng chục HS khác. Họ muốn làm trong ban này để xây dựng mối quan hệ tốt với các giáo viên (GV), làm đẹp lòng cô giáo, có "quyền lực không chính danh", anh T.A nêu quan điểm.

Phụ huynh Dương Thắm, có con học tiểu học tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, cũng cho rằng "không cần ban đại diện CMHS lớp vì chung quy thì cũng làm phong trào cho trường, tôi không thấy ban đại diện phát huy vai trò phản biện gì".

"CHÚNG TÔI ÂM THẦM LÀM THÌ KHÔNG AI HAY"

Trong khi đó, cũng có những góc nhìn khác về vai trò của ban đại diện CMHS. Trước tết trung thu 3 tuần, chị V.N, phụ huynh có con học lớp 2 ở Q.1, TP.HCM, thức đêm, cặm cụi ngồi tìm hiểu các mẫu đèn trung thu tái chế từ chai lọ, ly nhựa đã dùng rồi mày mò làm thử. Khi trường con chị tổ chức thi hội đèn lồng, ban đại diện CMHS lớp nhờ chị cùng hỗ trợ các con làm đèn dự thi. Sau đó, lớp lại cần một người khéo tay hỗ trợ gói quà bánh trung thu tặng các con. Một chị phụ huynh trong lớp bỏ tiền túi mua bánh trung thu, chị V.N bỏ tiền mua thêm các loại bánh ngọt, kẹo, giấy bọc quà và thức tới 2 giờ sáng để gói gần 40 bịch quà, giúp các con vui hơn trong ngày phá cỗ.

"Mình làm được gì thì sẽ làm hết vì các con thôi. Ban đại diện CMHS lớp mình đều gồm các anh chị dễ thương. Như đợt cả lớp góp tiền mua máy lạnh cho các con học, có mấy bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, ban đại diện vận động mọi người đóng thay phần các bé, có 2 anh chị đứng ra đóng cho các bé luôn. Hay nhiều dịp như các bé ăn tổng kết liên hoan cuối năm, các phụ huynh ai cũng đóng thêm tiền, mời các bé khó khăn khác, dư thì bỏ vào quỹ", chị V.N chia sẻ.

Anh T.H.T có 4 con học tiểu học, THCS tại một quận trung tâm TP.HCM và nhiều năm tham gia ban đại diện CMHS của lớp. Đọc bình luận trên mạng xã hội của mọi người phê phán, chê trách các ban đại diện CMHS ở nhiều nơi, anh chỉ cười buồn: "Chúng tôi bỏ công sức, thời gian hỗ trợ nhiều hoạt động cho HS ở lớp, ở trường, âm thầm làm, nhiều lần lấy tiền túi bù vào các hoạt động cho các con, nhưng các phụ huynh khác có hay biết gì đâu…".

Chị T.C, có con học tại một trường ngoài công lập ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng ban đại diện CMHS lớp giúp các con được chăm lo tốt hơn, có môi trường học tập vui vẻ, hạnh phúc đúng nghĩa. "Sau mỗi năm học, trưởng ban đại diện CMHS lớp con tôi còn ngồi thống kê lại, bé nào tham gia bao nhiêu hoạt động, bé nào không tham gia hoạt động nào, để hoàn trả lại tiền cho các phụ huynh", chị T.C kể.

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Tồn tại hay không?- Ảnh 2.

Ban đại diện CMHS lớp nếu hoạt động hiệu quả sẽ cùng nhà trường chăm lo cho học sinh

ẢNH: NHẬT THỊNH


CẦN LOẠI BỎ NHỮNG "HẠT SẠN"

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho biết có rất nhiều ban đại diện CMHS lớp hoạt động hiệu quả, cùng nhà trường chăm lo HS, giúp được nhiều HS khó khăn.

Tuy nhiên, bà Chi thừa nhận có thực tế mất niềm tin với ban đại diện CMHS, bởi ở một số trường học, có những người lợi dụng vai trò ban đại diện CMHS để "chống lưng" cho con, phục vụ quyền lợi cho con mình chứ không phải con của số đông phụ huynh khác. Hoặc cũng có người có điều kiện kinh tế tốt muốn làm trưởng ban đại diện CMHS và áp đặt các khoản mua sắm, đóng góp cho những phụ huynh còn lại, gây mâu thuẫn, phân biệt với các phụ huynh khác… Những vụ việc tiêu cực trong giáo dục này gây bức xúc, mâu thuẫn trong nhiều phụ huynh. "Đây được coi là những hạt sạn trong giáo dục và chúng ta cần phải loại bỏ", bà Chi nói.

"Tôi khẳng định và bảo vệ quan điểm ban đại diện CMHS rất quan trọng, cần thiết, hỗ trợ rất nhiều cho các em HS. Vai trò này đã được thể hiện cụ thể trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về điều lệ hoạt động ban đại diện CMHS, nhiệm vụ của ban đại diện CMHS lớp là "phối hợp với GV chủ nhiệm lớp và các GV bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; phối hợp với GV chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, vận động HS đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ HS nghèo, HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn khác". Ban đại diện CMHS từng lớp là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường, cùng với nhà trường cho các con một môi trường học tập vui vẻ, hạnh phúc", bà Chi nhấn mạnh.

Làm sao để ban đại diện CMHS phát huy hiệu quả, không tồn tại tiêu cực? Bà Chi cho biết tùy theo đặc thù từng đơn vị, từng trường, lớp, sẽ không có một công thức chung, tuy nhiên sẽ có những tiêu chí chung buộc các ban đại diện CMHS phải tuân thủ, đó là dựa trên tinh thần tôn trọng nhau. Có "3 chữ C" mà ban đại diện này phải đảm bảo, đó là Công tâm đối với các phụ huynh trong lớp, không có sự phân biệt giàu nghèo, địa vị trong xã hội; Công tâm với các con, không phân biệt trẻ này với trẻ khác; Công tâm trong việc giải quyết các mâu thuẫn, nếu có, giữa phụ huynh và nhà trường, không phải lúc nào nhà trường cũng đúng, phụ huynh luôn sai. Và để thực hiện được tất cả các tiêu chí này, thì những người trong ban đại diện CMHS phải là người rất yêu thương các con.

Trường ngoài công lập có ban đại diện CMHS không ?

Anh Tuấn Nghĩa, có con học tại Trường song ngữ quốc tế Horizon, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết trường không có ban đại diện CMHS lớp hay trường. Nhà trường có trao đổi, thông báo gì cho phụ huynh thì đều gửi thông báo qua tin nhắn hay các kênh trực tuyến.

Chị Phương Thanh, có con học tại Trường Sedbergh Vietnam - BCIS, Q.7, TP.HCM, cũng cho biết tại trường và lớp của con đều không có ban đại diện CMHS lớp hay ban đại diện CMHS trường.

Còn theo chị Trần Quế, phụ huynh có con học tại hệ thống giáo dục Vinschool, TP.HCM, lớp con chị có ban đại diện CMHS, trưởng ban phụ huynh HS thường được bầu hoặc có thể tự ứng cử, song cần phải là người tận tâm, tâm huyết, công bằng, công tâm với các hoạt động của các em HS trong lớp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.