Bản đồ gốc khu đô thị mới Thủ Thiêm được lập thế nào?

Trung Hiếu
Trung Hiếu
03/05/2018 13:00 GMT+7

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, khẳng định sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) thì quyết định và bản vẽ khu đô thị được gửi cho UBND TP.HCM.

Trước đó, trong buổi họp báo ngày 2.5, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM, xác nhận thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án. Đến nay, dù đã nỗ lực nhưng các bộ ngành có liên quan và UBND TP.HCM vẫn chưa tìm thấy.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lưu cho biết quy trình thời kỳ đó và đến bây giờ vẫn vậy, ở cấp dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đầu tiên đơn vị được UBND TP.HCM thuê hay giao lập quy hoạch sẽ tiến hành lập quy hoạch, sau đó đính kèm bản vẽ vào tờ trình lập quy hoạch gửi lên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM) để cơ quan này trình lên UBND TP.HCM. Tiếp đó, UBND TP.HCM sẽ làm tờ trình đính kèm bản vẽ lên Thủ tướng Chính phủ.
“Sau khi được phê duyệt thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có gửi quyết định phê duyệt cộng với bản vẽ cho UBND TP.HCM chứ không phải gửi về Kiến trúc sư trưởng TP.HCM hay đơn vị lập quy hoạch. Đây là điều chắc chắn”, ông Lưu khẳng định.
Theo ông Lưu, về nguyên tắc thì bản đồ gốc chỉ có 1 tờ. Trong trường hợp này thì bộ ngành không lưu tấm bản đồ vì trước đó đã được lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ...
“Tôi chỉ nói về quy trình chứ giờ lỗi do ai tôi không thể biết được. Trường hợp Chính phủ gửi cả quyết định và bản đồ cho UBND TP.HCM thì điều này sẽ thể hiện trong biên nhận. Chỉ có cơ quan chức năng mới làm rõ được”, ông Lưu nói.
Theo ông Lưu, bản đồ tỉ lệ 1/5.000 thể hiện quy hoạch chung và ở tỉ lệ quy hoạch này tính pháp lý cao nhất chính là ranh đất của dự án nằm ở đâu. Nếu làm quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 nếu không bám vào quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 thì ranh đất của dự án có thể thiếu hoặc thừa.
Trả lời câu hỏi trong trường hợp bị thất lạc thì có thể phục hồi được bản đồ gốc không, ông Lưu cho biết: “Tất cả các bản phục hồi đều không có giá trị vì người ta sẽ nói chỉnh sửa. Theo tôi biết ít khi người ta sao y bản vẽ lắm mà chỉ sao y quyết định thôi. Các cơ quan công chứng cũng chỉ công chứng văn bản chứ không công chứng bản vẽ”.
KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết bản đồ tỉ lệ 1/5.000 được coi là quy hoạch chung của dự án, còn bản đồ tỉ lệ 1/2.000 mới bắt đầu thể hiện chi tiết dự án, chức năng sử dụng đất và đi vào xây dựng thì dùng bản đồ tỉ lệ 1/500.
“Bản đồ tỉ lệ 1/5.000 hay tỉ lệ 1/2.000 giúp chúng ta định hướng làm cái gì như khu trung tâm, khu dân cư nằm ở đâu, khu vực trồng cây xanh ở khoảng nào, từ đó cũng giúp định hướng một số tuyến giao thông chính trong dự án”, ông Mười nói.
Với kinh nghiệm người lâu năm trong nghề, ông Mười cho hay thường ở những dự án quan trọng sẽ có một số hồ sơ kèm bản đồ gốc để lấy ý kiến sở ngành, cơ quan chức năng. Chưa kể bên có liên quan sẽ sao y bản đồ này ra nhiều bản và những bản đồ này nếu được đóng dấu của cơ quan có trách nhiệm sẽ có giá trị không thua kém bản đồ gốc.
Theo ông Mười, có thể trong quá trình làm đưa tới đưa lui cộng với khả năng lưu trữ kém sẽ dẫn tới thất lạc bản đồ gốc. Hiện khâu yếu nhất của các cơ quan nhà nước kể cả doanh nghiệp thiết kế, xây dựng chính là khâu lưu trữ nhất là lưu trữ hồ sơ thiết kế, xây dựng.
Một KTS (đề nghị giấu tên) từng thực hiện nhiều dự án quy mô lớn cho hay ông hơi ngạc nhiên khi nghe câu chuyện bản đồ bị thất lạc vì trước khi phê duyệt thì phải gửi cho các sở ban ngành hồ sơ kèm theo bản đồ của dự án. Theo KTS này, trong trường hợp chỗ này làm mất thì chỗ kia còn chứ không thể các nơi đều mất hết được.
“Theo quy định để được duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 thì hồ sơ phải gửi cho các sở ngành cho ý kiến. Cho nên có thể UBND TP.HCM nói thất lạc bộ gốc chứ còn các bản đồ gửi cho sở ngành vẫn còn và các bản này không khác bản đồ gốc là mấy”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.