1. Lúc nào cũng vậy, dù đến tòa soạn trên chiếc xe ô tô riêng rất “ngầu”, gương mặt khá “lạnh” nhưng tấm lòng, số tiền, quà... ông Lợi trao gửi cho đồng bào luôn “nóng”, không chỉ vì giá trị rất lớn mà còn là tấm lòng canh cánh vì bà con.
Trao tiền, quà xong, chúng tôi thuyết phục lắm ông mới đồng ý để chụp tấm hình đăng kèm tin, bài. Cũng chỉ có thế, rồi ông vội đi ngay, chẳng khi nào chịu trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Chuyện “ít nói” của ông Lâm Tấn Lợi thể hiện ngay cả khi tham gia các buổi trao quà, các chương trình thiện nguyện chung với báo. Nhiều bạn đọc vui mừng khi biết ông chủ võng xếp Duy Lợi sẽ đến trao quà và mong nghe ông nói vài câu sau khi tuyên bố lý do, thế nhưng ông đều xin phép... từ chối. Riết rồi chúng tôi cũng quen với một ông chủ võng xếp Duy Lợi làm nhiều hơn là nói về mình, về chuyện làm thiện nguyện.
|
2. Ngược với sự kiệm lời khi làm thiện nguyện, ông Lâm Tấn Lợi lại nói rất nhiều, rất sâu và thẳng thắn khi góp ý với Thanh Niên để nội dung, hình thức tờ báo ngày một hay, hấp dẫn bạn đọc và phục vụ bạn đọc tốt hơn.
Sáng sớm, khi điện thoại di động của người viết reo và thấy tên Lâm Tấn Lợi hiện trên danh bạ cuộc gọi là biết sắp đón nhận sự góp ý từ ông về một vấn đề gì đó đăng trên báo sáng nay. Không chỉ góp ý, ông còn phân tích và trưng ra các bằng chứng nếu có về góp ý của mình.
Cứ thế, ông chủ võng xếp Duy Lợi không chỉ là nhà hảo tâm thường xuyên đồng hành cùng báo, mà còn là bạn đọc rất chân tình. Bởi chỉ có sự chân tình, gần gũi mới có thể “nói nhiều”, góp ý nhiều, thẳng thắn và thật lòng đến thế.
|
3. Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, chúng tôi lại được ông Lâm Tấn Lợi... nói nhiều trên Facebook. Với chất giọng hài hước, ông góp ý về cách dùng từ, đặt câu, đặt tựa cho các bài viết trên báo hay cách đặt vấn đề về những sự kiện chính trị, xã hội, nhất là về giáo dục. Và, trong những lần... nói nhiều đó, chiếm tỷ lệ cao vẫn là những status về các chương trình từ thiện mà ông tài trợ cho báo.
Đợt lũ lớn quét qua miền Trung, dù đang bận rộn với buổi họp lớp tận ngoài Bắc, nhưng khi nhận được sự vận động quyên góp từ đại diện Báo Thanh Niên, ông Lâm Tấn Lợi đã tài trợ nhanh số tiền 300 triệu đồng để báo tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho bà con miền Trung. Và, trên Facebook của ông xuất hiện: “Đang họp lớp thì lại nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt! Đúng là Báo Thanh Niên không biết điều: Người xưa đã có câu “trời đánh tránh bữa ăn... chơi” mà!”.
Những status “trách móc” như thế lại nhận được rất nhiều lượt like và thả tim từ cộng đồng mạng.
|
4. Ngoài đồng hành cùng Thanh Niên và nhiều tờ báo khác để đến với những hoàn cảnh thương tâm, đồng bào vùng bão lũ..., ông Lâm Tấn Lợi còn tự mình thực hiện các chương trình thiện nguyện.
Ấn tượng nhất với chúng tôi là hình ảnh ông mang tạp dề, múc từng muỗng canh cho bà con nghèo ở những bếp ăn từ thiện. Không chỉ thế, ông còn ngồi dùng cơm chung, lắng nghe những câu chuyện của bà con để mọi người có được bữa ăn ngon miệng hơn.
Khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3.2020, thấy hình ảnh những tình nguyện viên đang phục vụ tại các khu cách ly phải lót chiếu, bìa carton nằm nghỉ dưới sàn nhà lan truyền trên mạng, ngay lập tức ông chủ võng xếp Duy Lợi đã tự lái xe, chở theo 120 bộ võng xếp đến khu cách ly để tặng, giúp các tình nguyện viên có được giấc ngủ êm ái hơn sau những giờ phục vụ mệt nhoài.
Viết về ông, về tấm lòng thiện nguyện, có lẽ khó có thể chi tiết và đầy đủ. Chỉ biết có người bạn đồng hành như ông, Thanh Niên hay bất kỳ tờ báo nào khác sẽ luôn tự hào và trân trọng.
Bình luận (0)