Kho đặc biệt lưu giữ bảo tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (còn gọi là tượng Bồ tát Tara) chỉ mở cửa vào dịp đặc biệt như đón đoàn quốc khách, các chuyên gia nghiên cứu, dịp kỷ niệm long trọng của bảo tàng…
PV Thanh Niên vừa có cơ hội đặc biệt "mục sở thị" bức tượng và chứng kiến tượng được đặt trên một bệ đá vuông trong một căn phòng với hệ thống chiếu sáng độc đáo.
Qua quan sát, có thể thấy, khác với phiên bản tượng đang được trưng bày tại phòng Đồng Dương (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng), bản gốc bức tượng Bồ tát Tara có lớp "men đồng" màu xanh, sáng bóng, trông rất đẹp mắt.
Dễ dàng nhận thấy, ở cả tay trái lẫn tay phải của bức tượng có những vết đứt gãy bởi sự khuyết đi của 2 vật cầm tay là đóa sen và con ốc - pháp khí của Bồ tát.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, tượng Bồ tát Tara cao gần 1,15 m, được đánh giá không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, tuổi đời khoảng 1.200 năm.
Bảo tượng Tara có phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài
HOÀNG SƠN
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, năm 1978, người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã tình cờ tìm thấy bức tượng. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước.
Bản gốc bức tượng Bồ tát Tara cho thấy, 2 pháp khí trên tay phải và tay trái đã bị gãy. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương, 2 pháp khí, vật biểu tượng cầm tay của ngài là đóa sen (padma) bên tay phải và con ốc (sankha) bên tay trái. Đặc biệt, phía dưới con ốc là hình chuyển pháp luân (dharmacakra) được khắc chìm trong lòng bàn tay
HOÀNG SƠN
Trong bài nghiên cứu của mình, tác giả Phan Thị Thu Bình cho hay, phía trước trán tượng khắc một hình thoi lõm sâu xuống được gọi là huệ nhãn (Urna) đặc trưng cho các vị Bồ tát của Phật giáo Đại thừa và trước kia đã từng được gắn đá quý. Hai hàng lông mày cũng được khắc sâu nối liền nhau qua gốc mũi và chắc chắn cũng đã từng được khảm vàng lung linh...
Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laskmindra Lokeshvara được đề cập trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương.
Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau 5 năm tìm ra tác phẩm và cách gọi tên này vẫn còn gây ít nhiều băn khoăn, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu. Tác phẩm này là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất của toàn thể khu vực Đông Nam Á.
Bản gốc và phiên bản giống y hệt nhau. Tuy nhiên, bằng mắt thường có thể thấy bản sao tượng có màu sắc khác do được làm chất liệu đồng tân thời
HOÀNG SƠN
Từng chi tiết, đường nét trên phiên bản tượng Bồ tát Tara được thể hiện tinh xảo
HOÀNG SƠN
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, phiên bản tượng Bồ tát Tara đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã được nhóm nghiên cứu của Trường đại học Tây Sydney (Úc) hợp tác với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện từ tháng 10.1997.
Tượng này được nhóm nghiên cứu làm phiên bản trong gần 3 năm. Đến năm 2000, phía bạn đã bàn giao cho Bảo tàng Đà Nẵng. Đến năm 2004, tượng mới đưa vào trưng bày tại sảnh mở rộng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tuy là phiên bản nhưng tượng Bồ tát Tara đang được trưng bày cho công chúng thưởng lãm cũng thể hiện độ tinh xảo
HOÀNG SƠN
Theo các chuyên gia, sống mũi Tara cao thẳng và nhọn ở đầu mũi cùng với miệng rộng và cặp môi dày là những chi tiết phụ họa thêm trên khuôn mặt làm toát lên nét nhân chủng Chăm cũng như chứa đựng những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật Đồng Dương
HOÀNG SƠN
Như Thanh Niên đã thông tin, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương chuyển giao 2 hiện vật con ốc và đóa sen của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Trước đó, vào đầu tháng 8.2023, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc hợp nguyên hiện vật của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL).
Với sự chuyển giao này, bảo tượng Bồ tát Tara đứng trước cuộc hoàn nguyên lịch sử sau gần nửa thế kỷ tượng gốc "thất lạc" hiện vật là vật cầm tay.
Trước thông tin này, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương nhận định, việc trả lại 2 hiện vật cho nguyên vẹn bức tượng sẽ mang ý nghĩa trọn vẹn trong nghiên cứu và thưởng lãm bức tượng.
Ông Trần Kỳ Phương cho rằng, sau khi tiếp nhận, 2 hiện vật này cần được lưu giữ với tượng Bồ tát Tara bản gốc.
"Việc gắn lại 2 vật cầm tay với tượng gốc là không thể bởi vật liệu gắn kết có thể sẽ dẫn đến hỏng pho tượng gốc. Cho nên, cách tốt nhất là trưng bày 2 hiện vật này cùng với bức tượng. Qua đó, người xem có thể hình dung được tượng gốc trông như thế nào và cũng hiểu được ý nghĩa 2 hiện vật hoa sen và con ốc", ông Phương nhấn mạnh.
Bình luận (0)