Bản Hắc tan hoang sau lũ dữ
21/07/2018 06:41 GMT+7
Đêm 19.7, trận lũ ống quét qua bản Hắc của xã Trí Nang (thuộc huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mạng của 2 người, 2 người khác mất tích, là người thân trong một gia đình.
Tự động phát
Trên khu đất sát chân núi Hin Pun rộng chừng 2.000 m2 là nơi ở của 4 gia đình trong bản Hắc. Cạnh đó, người dân cũng lấy tên núi đặt cho con suối tên Hin Pun (đá vôi). Thường ngày, dân trong bản vẫn ra suối lấy nước về dùng. Sáng 20.7, khi chúng tôi có mặt tại bản Hắc, gần 300 con người nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi chỉ cách đó ít giờ, trận lũ ống kinh hoàng bất ngờ ập đến.
|
Trận lũ dữ đã khiến ông Vi Văn Thiên (50 tuổi) và bà Lê Thị Tặm (85 tuổi, mẹ ông Thiên) tử vong. Người dân phát hiện thi thể ông Thiên và bà Tặm mắc kẹt ở gốc cây cách nhà khoảng 100 m. Chị Hà Thị Biển (27 tuổi, con dâu ông Thiên) và cháu Vi Thị Huyền Trân (5 tuổi, cháu nội ông Thiên) bị lũ cuốn mất tích. Trận lũ cũng làm 3 người khác bị thương, gồm: anh Vi Văn Dũng (28 tuổi, con ông Thiên và là chồng chị Biển), bà Lương Thị Hoa (51 tuổi, vợ ông Thiên) và bà Hà Thị Thúy (40 tuổi).
Chưa hết bàng hoàng, bà Phạm Thị Quý (52 tuổi, nhà cạnh khu vực suối Hin Pun) kể lại: “Trời mưa to quá, nước lũ dâng cao ào ào đổ về, tôi chỉ thấy đất đá, cây cối tràn khắp nơi rất kinh khủng. Lúc đó, vợ chồng tôi cùng con dâu và 2 cháu nhỏ rất sợ, nước cuồn cuộn chảy qua nhà nhưng không thể chạy ra ngoài. Nếu ra khỏi nhà lúc đó sẽ bị lũ cuốn trôi, nên đành đánh liều ở trên gác 2 của nhà sàn. Chồng tôi cầm đèn pin rọi xung quanh thì không thấy nhà ông Thiên với mấy nhà xung quanh đâu, lũ đã cuốn hết. Khoảng hơn 30 phút sau mưa ngớt dần nên gia đình tôi mới thoát chết”.
Mất mát quá lớn
Nghe tin mẹ, anh trai và 2 đứa cháu gặp nạn, chị Vi Thị Thuận (43 tuổi, con gái bà Lê Thị Tặm) lấy chồng ở xã Yên Khương (cách xã Trí Nang khoảng 30 km) vội về thì không còn thấy nhà đâu. “Cả đời mẹ tôi khổ sở nuôi nấng mấy anh em tôi. Giờ tuổi cao sức yếu sống với con cháu những ngày cuối đời thì ai ngờ tai họa ập đến. Giờ thì không còn gì nữa rồi, mẹ tôi, anh trai và 2 đứa cháu tôi, khổ quá rồi, nhà cửa lại không còn”, chị Thuận khóc.
Vừa gắng sức lo tang cho bà, cho bố, vừa ngóng chờ tin tức của vợ và con gái đang mất tích, anh Vi Văn Dũng như người mất hồn. Anh Dũng cũng là nạn nhân của cơn lũ, may mắn khi đó anh bám víu được thân một cây gỗ đang trôi theo dòng nước nên sống sót. “Lúc đó trời mưa to quá, tôi cầm đèn pin lên nhà bố mẹ (cách nhà anh Dũng khoảng 50 m) xem nhà có bị làm sao không. Khi đang trong nhà thì nghe tiếng ầm ầm từ trên xuống, vang như sấm. Tôi nghĩ chắc là nước lũ rồi, vội cầm chiếc đèn chạy về nhà để đưa vợ con đi tránh nạn. Ai ngờ, vừa ra khỏi nhà bố mẹ tôi thì tôi bị nước lũ cuốn, tôi cố với bám vào thân cây gỗ rồi hô to cho vợ con trong nhà biết. Khi vợ tôi bế con chạy ra ngoài thì vừa lúc nước lũ đến cuốn đi mất. Nhà bố mẹ tôi cũng bị cuốn luôn không còn gì. Không biết làm sao, tôi gào thét gọi vợ, gọi bà, gọi bố nhưng không ai trả lời”.
Chưa bao giờ bản người Thái dưới chân núi Hin Pun lại tang thương như sau cơn lũ lần này.
Kiên quyết sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm
Biển Đông lại có ATNĐ
Ngày 20.7, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý mùa mưa lũ trong năm 2018 được dự báo diễn biến phức tạp và khó lường. Công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN phải được chuẩn bị chu đáo nhất. Đặc biệt, ở vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, nơi nguy hiểm thì các thành viên của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN phải theo sát địa phương để đôn đốc, nhắc nhở, kiên quyết sơ tán người dân, giảm thấp nhất thiệt hại về con người.
Cùng ngày 20.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dải hội tụ trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chiều cùng ngày, tâm ATNĐ nằm trên khu vực phía bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, tức là từ 40 - 50 km/giờ, giật cấp 8. Trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông với gió mạnh cấp 6 trở lên là khu vực từ vĩ tuyến 17,5 - 20,5 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 114,5 độ đông. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 và có mưa giông mạnh, biển động mạnh.
P.Hậu
|
Báo Thanh Niên hỗ trợ 3 gia đình bị lũ cuốn
Chiều 20.7, Báo Thanh Niên đã hỗ trợ 3 gia đình có người thân và nhà bị lũ cuốn trôi ở bản Hắc (xã Trí Nang) 20 triệu đồng. Cụ thể, hỗ trợ gia đình bà Hà Thị Miên và bà Hà Thị Thúy đều có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, mỗi gia đình 5 triệu đồng; hỗ trợ gia đình bà Lương Thị Hoa vừa mất nhà vừa có 2 người chết, 2 người mất tích 10 triệu đồng.
|
Bình luận (0)