Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các

09/04/2023 07:33 GMT+7

Theo tài liệu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho đến nay đã trải qua cả ngàn năm lịch sử, là trường đại học đầu tiên của nước ta và hiện đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước. Khuê Văn Các nằm trong tổng thể này, từ năm 1997 đã được chọn là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Biểu tượng  của vương quyền

Ðược xây dựng vào năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi để thờ Khổng Tử và cũng là nơi cho con em quý tộc đến học, đồng thời đóng vai trò trung tâm đào tạo nhân tài cho triều đình. Nhưng ý tưởng dựng bia lưu danh các tiến sĩ trong Văn Miếu  - Quốc Tử Giám thì đến thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) mới bắt đầu có, và kéo dài đến gần hết triều Lê trung hưng. Ðể rồi đến đầu triều Nguyễn, Kinh đô chuyển vào Phú Xuân, Văn Miếu Thăng Long chấm dứt vai trò và được đổi làm Văn Miếu Bắc thành. Ðồng thời cũng chính trong thời gian này Khuê Văn Các đã được Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành cho xây dựng và hoàn thành vào năm 1805.

Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các      - Ảnh 1.

Mặt trời trên Khuê Văn Các

T.L

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên giữa đỉnh Khuê Văn Các được trang trí một hình tượng rất cao quý và thiêng liêng cùng với hai rồng chầu ở hai bên. Ðó là mặt trời, một biểu tượng văn hóa đã có từ nền văn hóa Ðông Sơn, rồi đến các triều đại quân chủ Lý - Trần - Lê - Mạc - Tây Sơn đã được các vua sử dụng cho biểu tượng vương quyền, đồng thời cũng là ý niệm cho sự viên mãn trường tồn của dân tộc. Tiếp đến triều Nguyễn, mặt trời đã được vua Minh Mạng quy định làm tượng trưng cho ngôi vua.

Đây là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn và quản lý xem xét lại cho thấu đáo về biểu trưng thủ đô của một đất nước bốn ngàn năm văn hiến.

Sự khác thường ở mặt trời tại Khuê Văn Các

Tuy nhiên, nghiên cứu hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các, chúng tôi nhận thấy có điểm khác thường. Ðó là có một khoảng trống hình tròn ở giữa mặt trời, trong khoảng trống đó tại bề mặt của vòng tròn  tồn tại 2 vật thể trông như 2 mảnh vỡ nhỏ có màu đỏ vẫn còn dính lại.

Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các      - Ảnh 3.

Mặt trời trên Ngọ Môn

Về hiện trạng này, chúng tôi đã xem xét và đối chiếu với một số hình tượng mặt trời được thể hiện trên các kiến trúc ở TP.Huế (kinh đô của triều Nguyễn). Ðiển hình là mặt trời trên nghi môn trước điện Thái Hòa, trên bờ nóc điện Thái Hòa, Ngọ Môn, trên Thái tổ miếu, trên Thọ Ninh cung.

Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các      - Ảnh 4.

Mặt trời trên Thọ Ninh cung

Tất cả đều có kiểu thức nhìn chung là giống nhau, như đều thể hiện mặt trời là một vòng tròn kép có các tia lửa bốc lên. Nhưng các mặt trời trên di tích Huế không có khoảng trống ở giữa, tất cả đều được gắn bịt kín bằng một vật liệu có lẽ là đá hay thủy tinh rồi được sơn phết lên, tức là mặt trời gồm có hai bộ phận rời là vòng tròn kép và miếng bịt ở trong.

Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các      - Ảnh 5.

Mặt trời trên nghi môn trước điện Thái Hòa

Nguyễn Phúc Bảo Minh

Như vậy, khoảng trống ở giữa mặt trời trên Khuê Văn Các chắc chắn trước kia đã được bịt kín và 2 vật thể màu đỏ trông như 2 mảnh vỡ rất có thể là miếng bịt bằng thủy tinh màu đỏ đã bị vỡ còn sót lại.

Băn khoăn hiện trạng hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các      - Ảnh 6.

Với chuyên môn của người nghiên cứu về biểu tượng Mặt trời - Hoa cúc, một tượng trưng vương quyền của các triều đại quân chủ ở VN, tôi nhận thấy đây là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn và quản lý xem xét lại cho thấu đáo về biểu trưng thủ đô của một đất nước bốn ngàn năm văn hiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.