Thảo luận về kinh phí cho lực lượng an ninh, trật tự cơ sở

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/08/2023 12:41 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn với khoản kinh phí phải chi cho 300.000 người của lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập sau khi có luật khi ngoài lương hàng tháng còn có đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và chi bồi dưỡng.

Sáng 28.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay, liên quan kinh phí hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng; cần có số liệu cụ thể chứng minh "không làm tăng biên chế", "không làm tăng ngân sách".

Băn khoăn kinh phí cho 300.000 người của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi, có thể giao ngân sách T.Ư bảo đảm, giao HĐND cấp tỉnh quyết định, lấy từ các nguồn xã hội hóa, đóng góp của người dân ở địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho hay, Chính phủ đã bổ sung đánh giá tác động chính sách của dự án luật, bổ sung thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay.

Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này. Dự thảo luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Một số ý kiến đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hàng tháng.

Băn khoăn kinh phí cho 300.000 người của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

GIA HÂN

Cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo luật quy định mức hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là kế thừa quy định về chế độ hỗ trợ đối với đối tượng đội trưởng, đội phó đội dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đã có từ lâu đang được các địa phương thực hiện.

"Nếu bỏ quy định hỗ trợ hằng tháng mà chỉ hỗ trợ khi được huy động thì sẽ không thu hút được người dân tham gia lực lượng này, không bảo đảm tính khả thi của luật", ông Tới cho hay.

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề nghị thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng (hiện có khoảng 300.000 người, hưởng phụ cấp, hỗ trợ hằng tháng) thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời bố trí thành các tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước. 

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo khi trình dự án luật vào tháng 5 vừa qua, khi kiện toàn các lực lượng thành một lực lượng thống nhất thì các tỉnh, thành trung bình mỗi tháng chi trả không vượt quá 2,5 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ đồng/năm).

Rất băn khoăn

Tuy nhiên, vấn đề kinh phí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vẫn là vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Băn khoăn kinh phí cho 300.000 người của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói "rất băn khoăn" về kinh phí khi tính toán: với 300.000 người của lực lượng, dù dự luật không ghi rõ nhưng nếu mỗi người được trả mức lương bằng mức lương cơ sở khoảng 1,8 triệu đồng thì tổng kinh phí là 540 tỉ đồng/tháng. Chia đều cho 63 tỉnh, thành thì trung bình mỗi tỉnh, thành cần 8,4 tỉ đồng/tháng.

"Đó là chưa kể chi đóng BHYT, đóng BHXH tự nguyện cho lực lượng này. Đây cũng là một khoản lớn", ông Hòa nói, và cho biết, bên cạnh các khoản chi thường xuyên hàng tháng, nhiều quy định tại dự thảo luật còn có các khoản bồi dưỡng cho lực lượng này.

Ông Hòa cũng nêu, hiện lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương tương đối giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang xây dựng song không hưởng lương phụ cấp hàng tháng, còn lực lượng này có lương hàng tháng ngoài ra còn bồi dưỡng.

"Nên cân nhắc để tránh khi luật ban hành rồi khó thực hiện ở địa phương", ông Hòa nêu.

Băn khoăn kinh phí cho 300.000 người của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, cần làm rõ hơn cơ chế điều hành, quản lý lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở

GIA HÂN

Tương tự, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng nêu băn khoăn, ngoài tiền lương chi hàng tháng thì còn phải đóng BHXH, BHYT, bố trí trụ sở, phương tiện hoạt động. "Một lần nữa tha thiết Quốc hội tính toán tính khả thi của dự thảo luật", ông Tạo nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, thì đề nghị rà soát lại kỹ hơn cơ chế phối hợp điều hành, quản lý sử dụng lực lượng này ở cơ sở đảm bảo song trùng quản lý hiệu quả.

"Theo dự thảo luật, các chức danh này hiện nay gần như chịu sự điều hành tuyệt đối của công an xã mà chưa thấy được cơ chế, vai trò của chính quyền cấp xã, thôn. Trong khi đây là lực lượng do chính quyền xã, thôn lập ra, chi trả chế độ nhưng vai trò trong quản lý điều hành thì không thấy rõ vai trò của chính quyền, chỉ thấy lực lượng công an thôi. Như hiện nay chưa thấy có cơ chế nào để lãnh đạo chỉ đạo cả ngoài việc chi tiền phê duyệt danh sách công nhận lực lượng đấy khi công an xã đề xuất, chủ tịch xã phê duyệt", ông Lâm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.