Sáng 11.8, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án luật Lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cho hay sau kỳ họp 5 với 144 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo luật.
Theo ông Khánh, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Luật không mở rộng đối với tất cả các thành phần khác hiện có ở cơ sở.
Theo báo cáo của Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), cả nước hiện có khoảng 300.000 người thuộc lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng. Cụ thể, có 66.723 thành viên bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Bộ Công an đề xuất xây dựng luật để thống nhất 3 lực lượng nói trên thành lực lượng an ninh, trật tự cơ sở, bố trí thành 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố trên cả nước.
Theo ông Khánh, việc kiện toàn các lực lượng trên thành một lực lượng thống nhất là khả thi, hiệu quả, góp phần tinh gọn đầu mối, tập trung nhiệm vụ bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
"Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có tính chất là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của công an cấp xã", ông Khánh nêu.
Ông Khánh cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đã báo cáo làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở; công tác đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này…
Quy định rõ nguồn ngân sách để đảm bảo khả thi
Tại phiên họp, các đại biểu nêu ý kiến đề nghị xem xét cân nhắc việc gắn nhiệm kỳ của lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiệm kỳ của cấp cơ sở. Đồng thời, cần quy định rõ nguồn ngân sách để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cần bám sát báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội về tổng hợp ý kiến của các đại biểu góp ý về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại kỳ họp thứ 5.
Ông nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh phối hợp với Chính phủ báo cáo, giải trình rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; sự phù hợp với đường lối của Đảng, với Hiến pháp, nhất là quyền con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Ông cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra làm rõ tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo luật. Đồng thời, nghiên cứu chỉnh lý, giải trình rõ tên gọi của luật cho phù hợp với Hiến pháp và các luật liên quan.
Liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, mức hỗ trợ phải vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa động viên, khuyến khích người dân tham gia và phải đảm bảo khả năng chi của ngân sách.
"Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý cũng cần làm rõ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở; việc không làm tăng biên chế, không làm tăng ngân sách so với thực tiễn hiện nay", ông Phương lưu ý.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tổng mức chi trung bình dự kiến của một tỉnh, thành phố cho lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất là khoảng 2,4 tỉ đồng/tháng, trung bình khoảng 28,8 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ Công an, mức chi này là tương đương với khoản chi trung bình hiện nay cho 300.000 người hiện có, trung bình là 2 - 2,5 tỉ đồng/tháng, khoảng 20 - 30 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)