Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét

13/10/2024 11:05 GMT+7

Chia sẻ trách nhiệm khi đất nước gặp khó khăn; kiến nghị những vấn đề chung của xã hội thay vì chỉ câu chuyện của đơn vị mình…, cộng đồng doanh nghiệp Việt ngày càng cho thấy sự trưởng thành, là rường cột của quốc gia.

Chia sẻ với những mất mát, đau thương của đồng bào

Có lẽ ít ai trong chúng ta có thể hình dung đất nước phải trải qua những mất mát, đau thương nặng nề như khi bão Yagi đổ bộ tháng 9 vừa qua. Cả ngôi làng với gần 100 hộ dân trong tích tắc bị nhấn chìm sau tiếng nổ vang trời. Bản làng bình yên bên chân núi Con Voi trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Hàng trăm người chết và mất tích; hàng ngàn người bị thương. Bão qua đi, lũ lại tới kéo theo đường sạt, cầu sập, các công trình công cộng tan hoang.

Dù cũng thiệt hại nặng nề do nhà máy VinFast cùng hàng loạt cơ sở lưu trú tập trung ở vùng tâm bão Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái ngay lập tức hỗ trợ 250 tỉ đồng cho những người dân chịu thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ kéo dài. 250 tỉ đồng, tương đương hơn 10 triệu USD, được phân bổ trực tiếp cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập, hỗ trợ từ 150 - 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh…, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. "Tuyệt vời", "ngưỡng mộ", "biết ơn", "có tâm có tầm", "tự hào Việt Nam", "ấm lòng tình đồng bào"… là những từ khóa chính được nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần dưới các bài đăng trên mạng xã hội, dành cho Tập đoàn Vingroup và cá nhân Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 1.

Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tham gia hỗ trợ xây dựng "Điểm trường mơ ước" tại thôn Abaanh 1, xã Tr'hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

ẢNH: CTV

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 2.

Nhà tình thương do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ trao tặng cho một hộ nghèo

ẢNH: CTV

Cũng bị bão Yagi làm hư hại gần 700 cơ sở tại phía bắc của hệ thống siêu thị, cửa hàng WinMart; gần như mất trắng sản lượng ở 4 nông trại WinEco Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng; cụm nhà máy thịt Meatlife tại Hà Nam và trại gà Bắc Giang bị cô lập... nhưng Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng nhanh chóng chủ động liên lạc với chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng để hỗ trợ 16.000 phần quà trị giá ước tính khoảng 7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Masan cũng cam kết ổn định giá các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu tại hệ thống siêu thị dù chi phí vận chuyển hàng hóa gia tăng.

Tương tự, Nutifood, Công ty dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam, dù phải đóng cửa ngưng sản xuất nhà máy ở phía bắc, nhưng ngay lập tức chủ động liên lạc với Báo Thanh Niên chở sữa, sản phẩm dinh dưỡng trị giá hàng tỉ đồng tới vùng bão lũ hỗ trợ bà con. Công ty CP Thế Giới Di Động thì gấp rút làm việc với nhà cung cấp đặt 10.000 nồi cơm điện tặng người dân vùng bão lũ, nhằm giúp sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời, công ty có chương trình đồng hành hỗ trợ bà con mua sắm các thiết bị điện tử đã bị hư hỏng.

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 3.

Lực lượng cứu hộ giúp dân tại khu vực lũ lụt ở Bắc Kạn

ẢNH: CTV

Dưới đất khẩn trương, trên không cũng nhanh chóng vào cuộc. Để giúp hàng hóa cứu trợ từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc nhanh nhất có thể, cả 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Vietravel Airlines cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã nhận chở miễn phí hàng hóa, thuyền, ca nô cứu trợ, phao cứu sinh, nhu yếu phẩm… hỗ trợ người dân. Nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến rất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình cũng đã chủ động đóng góp hiện kim, gói ghém hàng trăm ngàn phần đồ ăn, thức uống gửi đến bà con cùng những chiến sĩ đang ngày ngày lội bùn, tắm mưa cứu trợ người dân nơi vùng bão lũ. Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường và vợ là bà Đàm Thu Trang đến Báo Thanh Niên đóng góp cá nhân 2 tỉ đồng ủng hộ đồng bào bão lũ, sau khi đã chuyển trăm triệu đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, Tập đoàn Hòa Phát đang liên lạc để xây nhà, xây trường, ổn định sinh hoạt cho người dân những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề với tổng giá trị 30 tỉ đồng…

Không thể kể hết sự sẻ chia, trách nhiệm của các cá nhân, doanh nghiệp mỗi khi đất nước gặp khó khăn. Còn nhớ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, hàng ngàn tỉ đồng cũng được họ đóng góp, trên mọi mặt trận đều có bóng dáng cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Từ sản xuất máy thở, tài trợ nghiên cứu vắc xin; làm bệnh viện dã chiến, chế tạo ATM gạo, phát minh phần mềm truy vết Covid-19, thực hiện các chuyến bay nhân đạo cho đến chăm lo từng bữa cơm, manh áo cho người nghèo… trong khi chính bản thân họ là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Trách nhiệm xã hội từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng trên con đường phát triển của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.

Gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích quốc gia

Sự trưởng thành và tầm vóc của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn còn thể hiện trong chính những đề xuất, kiến nghị của họ trong những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đất nước. Không còn "xin xỏ", không nói câu chuyện của doanh nghiệp mình, hầu hết các doanh nhân đều mang tâm thế kiến tạo những giá trị chung cho cộng đồng, cho xã hội.

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 4.

Tập đoàn Viettel đã đóng góp 100 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

ẢNH: CTV

Đơn cử tại "Hội nghị Diên hồng" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với 12 doanh nghiệp hàng đầu quốc gia hồi cuối tháng 9 để hiến kế góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vấn đề đầu tiên được Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng kiến nghị là về đào tạo, giáo dục. Theo đó, ông Vượng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Tập đoàn Vingroup sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Song song, đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… bởi ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Về vấn đề an sinh, dù đang nắm vai trò dẫn dắt ở thị trường bất động sản cao cấp nhưng Vingroup lại mong Chính phủ có cơ chế phát triển hệ thống nhà ở xã hội và nâng tiêu chuẩn tiện ích để những người dân có thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội… có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Cuối cùng, ông Phạm Nhật Vượng đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Đúng như lời nhận xét của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: Vingroup luôn khẳng định vai trò của một "đại bàng" đầu đàn, dẫn dắt, kéo các cánh chim khác cùng bay cao, để đất nước phát triển hùng cường.

Giáo dục và đào tạo cũng là vấn đề được tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SOVICO, nêu lên đầu tiên khi phát biểu trước Thủ tướng. Bà Thảo đề nghị Chính phủ tạo môi trường pháp luật cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội. Theo bà, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam. "Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc", tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nêu ý kiến.

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 5.

Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng thực hiện những hoạt động vì lợi ích xã hội, môi trường và cộng đồng, bên cạnh mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận

ẢNH: CTV

Trong khi đó, tỉ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), thì mong muốn trở thành trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN… Đáng chú ý, người đứng đầu doanh nghiệp chuyên sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam còn hiến kế để người dân biết cách sống với thiên tai an toàn hơn. "Chúng tôi có kinh nghiệm trồng rừng và quy hoạch. Mấy năm trước tại Quảng Nam, một cơn lũ quét đi nguyên ngôi làng, chúng tôi đã thiết kế lại nhà dạng nhẹ và xây dựng lại nguyên ngôi làng đó. Thời gian tới, cá nhân tôi và đội ngũ anh em sẽ ra phía bắc xem lại các tầng đất, trồng các loại cây rừng để giữ được tầng đất, đồng thời xây nhà với móng cứng, nhà ở trên thì nhẹ và tốt. Chúng tôi sẽ trình mẫu nhà này và chọn ra để thực hiện một vài công trình mang tính thiết thực và bền vững", ông Trần Bá Dương báo cáo Thủ tướng.

Đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam, chú trọng tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng. Điều này nhằm tận dụng lợi thế thực phẩm của Việt Nam được xếp thứ 5 trong top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới.

Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan cũng đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam. Xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những đại sứ ẩm thực của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hóa, đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Có thể thấy, tầm vóc của doanh nghiệp Việt đã thể hiện khá rõ ràng qua những kiến nghị liên quan đến quốc kế, dân sinh.

Hình thành doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt các ngành trọng điểm

Nghị quyết 58 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000 - 10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nghị quyết nêu rõ đóng góp của khu vực doanh nghiệp sẽ khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 30 - 35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tinh thần vươn lên của doanh nghiệp Việt rất đáng nể phục

Trải qua đại dịch Covid-19 và siêu bão lịch sử Yagi, bản lĩnh, tầm vóc, tinh thần trách nhiệm và ý chí quật cường... của doanh nghiệp Việt ngày càng được khắc họa rõ nét. Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc đảm đương nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Cùng với đó, sự nhạy bén và thích nghi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt. Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam tuy còn mỏng, chưa thật sự lớn mạnh, năng lực tài chính nhìn chung còn yếu nhưng tinh thần kinh doanh, vươn lên để phát triển rất đáng khen ngợi, đáng nể phục. Những cơn hoạn nạn của dân tộc chính là thời điểm để chúng ta thấy rõ vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa quan trọng như thế nào.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 6.

TS Võ Trí Thành

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là chiến lược quan trọng để phát triển bền vững

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn lớn như Vingroup, Vinamilk, FPT, Viettel… tích cực thực hiện các chương trình về trách nhiệm xã hội với những mục tiêu dài hạn. Các doanh nghiệp này không chỉ chú trọng lợi nhuận mà còn cam kết đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động như tài trợ học bổng, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phát triển y tế và giáo dục ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến các sáng kiến bảo vệ môi trường như tiết kiệm năng lượng, tái chế, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Với tôi, trước khi nhìn vào những khoản hỗ trợ ngàn tỉ, những sự giúp đỡ không màng khó khăn bản thân từ các doanh nhân, doanh nghiệp với đồng bào cả nước, cần nhớ rằng chỉ riêng việc đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, đã là phần trách nhiệm xã hội rất lớn mà các doanh nghiệp đang đảm nhận rồi. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là một nhiệm vụ đạo đức mà còn là chiến lược quan trọng để phát triển bền vững trong dài hạn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Bản lĩnh, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng rõ nét- Ảnh 7.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.