Nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ chủ trương của Bộ VH-TT-DL về việc loại bỏ các linh vật, hiện vật có yếu tố nước ngoài không phù hợp thuần phong mỹ tục. Theo ông, Bộ hoàn toàn có thể ra văn bản để dọn dẹp hiện vật lạ tại công sở.
|
Một công văn đã được Bộ VH-TT-DL gửi các sở yêu cầu rà soát các hiện vật “lạ” không phù hợp. Song với những nơi không phải di tích thì chỉ dùng từ khuyến cáo. Ông nhận định điều đó thế nào?
Tôi nghĩ, với cá nhân, doanh nghiệp thì đó là do người ta tự nhận thức, đó là quyền của người ta. Ngành VH-TT-DL không can thiệp ngoài sự tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người ta. Tuy nhiên, công sở nhà nước thì hoàn toàn điều chỉnh được. Thứ nhất là công sở không có lý gì để những chuyện như thế. Các hiện vật như sư tử Trung Quốc (TQ) chẳng hạn, nếu là tặng phẩm thì để ngoài vườn, vườn tượng… chứ không thể để ở vị trí trang trọng của công sở. Việc ra văn bản với công sở là điều Bộ có thể làm được. Có điều phải có thêm sự chỉ đạo từ trên xuống và có sự giám sát của người dân.
|
Nhưng ngay cả với di tích, có dự báo cho rằng sẽ rất khó “bẩy” sư tử “lạ”.
Với các di tích lịch sử thì ta phải làm theo đúng luật. Anh đưa các yếu tố mới vào có xin phép không? Nhìn chung hiện vật kiểu đó phần lớn do người ta cúng tiến, nhận tùy tiện. Mà đôi khi lại là quan chức cúng tiến. Cho nên chuyện này phải giáo dục quan chức. Giáo dục về pháp luật. Anh không được đưa yếu tố lạ vào trong đó. Nhất là những di sản đã được công nhận. Thứ nữa là phải bàn bạc với bên Phật giáo, nếu ở trong khuôn viên di tích Phật giáo. Xem Phật giáo chủ trương thế nào, chủ trương của mình như thế. Tôi tin là các chùa cổ của ta đâu có con sư tử TQ. Theo tôi, cần phải có một cuộc vận động văn hóa thực sự.
Cần thực hiện cuộc vận động văn hóa ấy như thế nào để không hình thức, thưa ông?
Tôi nghĩ rất cần sự khuyến khích và cả phê bình khéo léo. Có thể nêu trên báo, đặt câu hỏi về việc địa phương tôi có con này ở chùa này, công sở kia. Cũng cần đặt vấn đề với nhà chùa. Đặt vấn đề vì sao trước đây chùa VN không có giờ lại có hiện vật như thế? Chẳng hạn, tại sao chùa Lân - thiền viện đầu tiên của ta không có lân mà lại có sư tử TQ. Tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo VN sẽ ủng hộ loại bỏ hiện vật lạ.
|
Cũng có lo ngại rằng việc dọn dẹp sư tử “lạ”, hiện vật lạ sẽ thành một cuộc kỳ thị văn hóa hay bài Hoa. Theo ông thì sao?
Không, đây không phải là bài Hoa. Mình chỉ làm cho trong sáng văn hóa của mình thôi. Đó cũng là khơi nguồn văn hóa của mình. Vì sao mình cứ phải thờ ông Quan Vân Trường? Vì mình không chịu tìm ra những giá trị của mình. Mình cứ nhẹ nhàng làm. Đi vào cái rất cụ thể. Tôi rất ủng hộ văn bản này. Bộ VH-TT-DL phải là bộ mang chức năng của Bộ Lễ - hướng dẫn, có quy định rất cụ thể ở những nơi trang nghiêm, những nơi phản ánh được bản sắc văn hóa, bản lĩnh văn hóa.
Hiện vật “lạ” ở Bắc Giang Một bức ảnh được một thành viên làm nghề du lịch đưa lên mạng xã hội Mỹ thuật cổ. Thông tin cho biết, ảnh được chụp tháng 8.2014 ở đình Tráng Quán, xã Đào Mỹ, H.Lạng Giang, Bắc Giang. Đình được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2009. Thành viên này băn khoăn: “Tôi không tài nào đoán được đây là loài gì”. |
Sư tử đá TQ là biểu tượng cho thế giới người chết “Tôi xin nhấn mạnh sư tử đá TQ là biểu tượng cho thế giới của người chết, nó chủ yếu để đặt ở các lăng mộ. Ai không tin xin mời vào thăm các lăng mộ TQ và đọc cuốn sách của Osvald Sirén. Ông là bậc thầy lừng danh về nghệ thuật cổ đại TQ, đã hệ thống về sư tử đá TQ qua cuốn Lịch sử nghệ thuật cổ đại Trung Quốc - Histoire des arts anciens de la Chine, 4 tập, công bố ở Paris và Brussels năm 1929 - 1930 (hiện có tại thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội VN). Trong đó, ông cho biết sư tử đá từ năm 147 trước Công nguyên đã được đưa vào canh gác lăng mộ của họ Ngô ở tỉnh Sơn Đông. Rồi theo đó, sư tử canh gác lăng mộ được lan truyền cho đến tận nhiều đời sau trong đó thời kỳ oanh liệt nhất của nó là thời Hán - lục triều với những con sư tử có cánh ở lăng mộ họ Lương, sư tử dạng thú ở lăng mộ Tề Vũ đế năm 493, Lương Vũ đế năm 549. Đến thời Minh - Thanh, theo Osvald Sirén, nó tràn ngập trong khắp các lăng mộ của các vị hào mục Trung Hoa”. PGS-TS Tống Trung Tín |
Rất phản cảm khi trưng ngay trước công sở Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An, cho biết Sở đã nhận được công văn của Bộ VH-TT-DL. Trước mắt, Sở sẽ lên kế hoạch cho kiểm tra toàn bộ công sở, cơ quan, di tích đang trưng bày những linh vật lạ, sau đó sẽ có công văn gửi kèm công văn của Bộ để đề nghị các cơ quan này tháo dỡ. Tại Nghệ An, một trong những nơi sản sinh ra sư tử “lạ” từ nguồn đá trắng dồi dào, hiện có nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp đang trưng bày sư tử lạ trước cửa cơ quan. Điển hình như Sở LĐ-TB-XH, Cục Thuế Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An, Công an TP.Vinh, UBND H.Quỳ Hợp, Ban Quản lý dự án thủy điện 2 (nay là trụ sở của Công ty CP thủy điện Bản Vẽ), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4... Ông Hồ Mậu Thanh cho rằng đây là những con vật lạ, hình dáng có vẻ giống sư tử, không nằm trong số linh vật của VN, do đó rất phản cảm khi trưng ngay trước công sở. “Sở chúng tôi vừa sửa xong cơ quan, có người định tặng một đôi sư tử đá như thế nhưng tôi từ chối, đề nghị họ đổi thành chậu hoa. Có thể chúng tôi sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh ra chỉ thị để dọn dẹp những con vật lạ này khỏi cơ quan, công sở, nơi công cộng”, ông Thanh nói. K.Hoan |
Yên tâm về kỹ thuật, tay nghề nghệ nhân KTS Nguyễn Giang, Giám đốc Công ty gỗ Giang, cho biết ông đã xem các tư liệu ảnh linh thú cổ mà Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm giới thiệu. Theo ông, hiện tay nghề thợ hoàn toàn có thể làm ra những mẫu linh thú như vậy bằng gỗ. Ông Giang là người đã phục dựng nhiều nhà gỗ cổ. |
Trinh Nguyễn
(thực hiện)
>> Bản sắc Việt: Lý Thái Tổ và vị thần hộ quốc
>> Bản sắc Việt - Nghê: tính bản địa của tâm hồn Việt
>> Bản sắc Việt trong thế giới phẳng
>> Bản sắc Việt trên tà áo dài thí sinh Hoa hậu Việt Nam
>> Bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân
Bình luận (0)