Bán tại chỗ, cả khách và chủ đều phấn khởi

29/10/2021 06:12 GMT+7

Hôm qua 28.10, ngày đầu tiên TP.HCM chính thức cho phép các nhà hàng, quán ăn mở bán tại chỗ sau gần 5 tháng ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 .

Đa số chấp hành đúng quy định

Ngay từ 6 giờ sáng, dù quán cà phê Du Mục (Q.7) vẫn chưa mở cửa, đã có một khách dừng xe trước cửa. Vị khách nhẫn nại đứng chờ khoảng 15 phút quán mới hoạt động. Cùng lúc đó, có thêm 2 người bạn tới, cả 3 người đều là khách quen của quán và nay đã nhanh chóng hẹn hò gặp mặt. Xung quanh những con đường Lâm Văn Bền, Mai Văn Vĩnh, Nguyễn Thị Thập..., hàng loạt quán ăn và quán cà phê cũng kê bàn ghế để khách ngồi tại chỗ thay vì chỉ bán mang về như trước.

Các quán ăn, cà phê tại TP.HCM đã được mở bán tại chỗ

Ng.Nga

Một số quán nhỏ nay đã mạnh dạn bổ sung thêm bàn ghế, thậm chí đưa ra trước vỉa hè. Anh Trung (Q.7) cho hay trước đây sáng nào cũng cà phê với bạn bè nên nay rất vui vì đã được quay trở lại quán cà phê quen thuộc. Quán nhỏ và hầu hết khách đều quen thuộc nhưng cũng dán mã QR và khách tự quét mã, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào trong.

Cà phê Sài Gòn ngày đầu ngồi lại: ‘Ở quán có view, về nhà chỉ có 4 bức tường’

Từ từ các hoạt động dần trở lại bình thường, ai cũng phấn khởi, từ chủ đến khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group

Chủ quán hủ tíu Sa Đéc khu vực Lữ Gia (Q.11) cho biết bán nhiều hay ít chưa quan trọng, quan trọng là tuân thủ theo quy định chỉ phục vụ 50% công suất, từ từ tăng thêm sau. Một khách vào quán vừa gọi xong tô hủ tíu thập cẩm, khách vào sau đến ghé ngồi bàn bên cạnh. Người bán vội te tái đi tới nhắc khách ngồi giãn cách 1 bàn. Bà nói: “Nghỉ bán đã 5 tháng, nay mở bán lại, cho dù không bị kiểm tra, xử phạt gì nhưng quan điểm của tui là chấp hành tối đa quy định để phòng chống dịch và làm ăn lâu dài. Khách vào quán ăn phải gỡ khẩu trang, nhưng luôn nhắc khách xịt khuẩn tay và ngồi mỗi người 1 bàn cho an toàn”.

Tại quán phở Hiền trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình), từ tuần trước đã mở bán trở lại, trang bị vách ngăn ni lông trong suốt giữa người bán và người mua và đặt 2 chai cồn rửa tay ngay lối vào. Ngày 28.10, quán đặt thêm 3 bàn ngoài đường để phục vụ khách tại chỗ, người đàn ông có nhiệm vụ giữ xe cũng là người luôn miệng nhắc khách khử khuẩn tay trước khi vào bàn ăn. Khách vừa rời bàn, ông lại lấy bình cồn đến xịt và lau mặt bàn, ghế.

Nhìn chung, việc tuân thủ quy định 5K ở các hàng quán chấp hành khá tốt. Những quán lớn có bảo vệ sẽ đo thân nhiệt, quét mã QR, sát khuẩn... hoặc dán mã bên ngoài để khách tự thực hiện. Còn đa số quán vỉa hè thì chính chủ quán sẽ nhắc nếu khách hàng quên thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, đơn vị sở hữu chuỗi The Bunny Coffee, cho biết các quán này chính thức mở phục vụ khách tại chỗ từ hôm qua. Tất cả khách hàng khi vào quán đều tự quét mã QR, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. “Sau mấy tháng phòng chống dịch và kể từ đầu tháng 10 khi nhiều hoạt động mở cửa lại, người dân ở thành phố đã quen với việc này. Chẳng hạn đi siêu thị, ngân hàng hay bất kỳ cơ quan nào cũng đã thực hiện 5K nên trở thành thói quen, thậm chí bảo vệ không cần nhắc nhở. Từ từ các hoạt động dần trở lại bình thường, ai cũng phấn khởi, từ chủ đến khách hàng”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Khách chưa quá đông

Dù phấn khởi nhưng khách hàng đến các hàng quán không quá đông. Gần 12 giờ trưa 28.10, chúng tôi ghé tiệm phở bò Lâm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) nhưng khá vắng vẻ. Người bán hàng cho biết hôm nay đặt hơn chục bàn thoáng rộng, nhưng chỉ mong phục vụ được một lúc khoảng 10 khách, ngồi 5 bàn là đúng theo quy định 50%. Tuy nhiên, sáng giờ chưa có lúc nào phục vụ một lúc 10 khách, chỉ lai rai 2 - 4 người. Đến trưa, khách ghé mua về ăn nhiều hơn, có thể khách hàng chưa quen việc ngồi ăn tại quán hoặc cũng có thể họ ngại ngồi chỗ công cộng lúc này… “Chắc vài hôm nữa quen, khách sẽ đến đông hơn. Hôm nay quán cũng không nấu tăng hơn mấy ngày trước vì để xem thế nào đã. Cuối tuần này và sang tuần sau sẽ tăng thêm chút”, chủ quán nói.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với The Bunny Coffee trong hôm qua. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết lượng khách tại chỗ chỉ khoảng 20 - 25% so với ngày thường, còn cách xa quy định 50% công suất của thành phố. Theo ông, có lẽ tâm lý nhiều người dân hiện nay vẫn thận trọng vì dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nên sẽ không còn tình trạng tụ tập đông người. Dù vậy, ông kỳ vọng trong những ngày tới, lượng khách quen sẽ quay lại tăng dần và ổn định hơn.

Do TP.HCM vào cuối ngày 27.10 mới thông báo chính thức cho phép mở bán trở lại khiến nhiều nhà hàng, quán ăn chưa kịp tiến hành mở bán tại chỗ. Hơn 12 giờ 20 trưa ngày 28.10, quán cơm tấm Phúc Lộc Thọ trên đường Lạc Long Quân (P.10, Q.Tân Bình) có 2 tài xế xe công nghệ đang chờ lấy cơm giao cho khách. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết quán vẫn đang phục vụ bán mang về. Dự kiến sang tuần mới tổ chức phục vụ khách tại quán. Chuỗi cơm tấm này có hơn 30 quán có mặt hầu hết tại các quận huyện trong TP.HCM. Tương tự, một quán cơm tấm trong chuỗi Cơm tấm Ba Ghiền vẫn bán mang về trong ngày 28.10 và cho biết đang chuẩn bị để mở bán lại cuối tuần.

Đại diện hệ thống nhà hàng YEN Sushi & Sake Pub cũng cho hay từ đầu tháng 10 đến nay chỉ mở một nhà hàng trung tâm để phục vụ khách hàng mang về. Vì vậy, dù rất mong muốn được mở ra phục vụ khách hàng tại chỗ nhưng trong hôm qua, hệ thống này cũng chỉ mới sắp xếp lại bàn ghế, trang thiết bị trong một vài nhà hàng và dự kiến từ hôm nay 29.10 mới mở bán tại chỗ trở lại ở một số nhà hàng tại trung tâm thành phố. Hơn nữa, hiện lao động của nhà hàng cũng chưa quay trở lại nhà hàng đầy đủ như trước nên chưa thể đồng loạt mở cửa lại tất cả mà chỉ mở dần. Nhà hàng khẳng định khi mở bán tại chỗ vẫn luôn tuân thủ đúng bộ tiêu chí an toàn mà thành phố đã ban hành để cả nhân viên lẫn khách hàng yên tâm. Vị đại diện nhà hàng này cũng hy vọng thành phố sẽ sớm cho phép hàng quán nâng dần công suất phục vụ khách hàng, cho phép được bán đồ uống có cồn... càng sớm càng tốt để gia tăng doanh số, duy trì hoạt động ổn định.

Trong ngày đầu cho phép hàng quán bán tại chỗ, đa số các quận huyện tại TP.HCM đều cho biết chưa tiến hành kiểm tra ngay, trước mắt các phường hướng dẫn và phổ biến cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng đúng 4 tiêu chí của UBND TP.HCM đưa ra. Tinh thần chung vẫn là hướng dẫn, nhắc nhở, chứ chưa phạt những hành vi sai quy định.

Covid-19 sáng 29.10: Cả nước 905.477 ca nhiễm, 813.963 ca khỏi | TP.HCM xử lý F0 ra sao?

Quản lý chặt số lượng khách phục vụ tại chỗ

Ngày 28.10, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quán ăn uống hiện chỉ được phục vụ 50% công suất. Chủ quán và địa phương phải quản lý chặt số lượng khách phục vụ tại chỗ, tuân thủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch và quy định của UBND TP.HCM.

Trước băn khoăn về việc TP.Thủ Đức và Q.7 được bán bia, rượu nhưng các địa bàn khác thì không, ông Mãi cho biết việc quán ăn phục vụ bia, rượu có nhiều ý kiến đồng tình. Dù vậy, TP.HCM muốn có thực tiễn nên tổ chức thí điểm trước ở TP.Thủ Đức và Q.7 trước khi nhân rộng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục theo chiều hướng tốt như hiện nay và cải thiện thêm thì TP.HCM sẽ mở thêm ở những địa bàn có nhu cầu và đảm bảo an toàn. Từ nay đến ngày 15.11, TP.HCM sẽ theo dõi, đánh giá kết quả giai đoạn thí điểm trước khi có quyết định chính thức.

Trong khi đó, tại buổi họp báo định kỳ chiều cùng ngày, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú giải thích không phải tất cả cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn TP.Thủ Đức và Q.7 đều được phục vụ đồ uống có cồn mà chính quyền địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế để quyết định cho mở ở một số nơi.

Đối với hệ thống nhà hàng tiệc cưới, ông Tú cho biết lĩnh vực này vẫn hoạt động theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, được phục vụ thức uống có cồn và hoạt động kéo dài đến sau 21 giờ. Tuy nhiên, số lượng phục vụ cùng lúc bị khống chế. Cụ thể, nếu tổ chức trong nhà thì số khách cùng dự tối đa 10 người, nếu từ 90% khách đã tiêm đủ vắc xin hoặc khỏi bệnh thì tối đa 60 người; tổ chức ngoài trời thì số lượng khách tương ứng là 15 và 90 người.

Cũng tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, sau khi bỏ chốt kiểm soát, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt và công an quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường kiểm soát lưu động khu vực nhà ga, bến tàu, tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Trong ngày 27 và 28.10, các đơn vị đã xử lý 1.563 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, 4 trường hợp vi phạm về phòng chống dịch.

Sỹ Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.