Dưới tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc, hàng loạt nhà đầu tư trong nước đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Trong khi đó, “hầm trú ẩn vàng” đã được khởi động, đưa kim loại quý này trở lại những phiên tăng giá.
Chứng khoán hôm qua lại lao dốc - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Phiên giao dịch hôm qua (8.1), chuỗi giảm giá chứng khoán vẫn tiếp diễn khi chỉ số VN-Index mất tiếp 5,3 điểm, lùi về đáy cũ của tháng 12.2015 ở mốc 560 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,74 điểm, còn 76,4 điểm. Trên sàn TP.HCM, có 164 cổ phiếu giảm giá, 57 cổ phiếu đứng giá và chỉ 61 cổ phiếu tăng giá. Trong phiên giao dịch sáng qua, thị trường đã có lúc rớt mạnh 9 điểm, hàng loạt cổ phiếu giảm giá sàn.
Phải chấp nhận cuộc chơi
Kết phiên hôm qua, thanh khoản hai sàn tính cả khớp lệnh và thỏa thuận đạt 2.550 tỉ đồng; ngày trước đó, giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM và sàn Hà Nội cao hơn, đạt 2.800 tỉ đồng. Khối lượng và giá trị giao dịch tăng đột biến so với mức bình quân, cho thấy nhà đầu tư (NĐT) cá nhân và NĐT tổ chức đã cùng bán tháo mạnh mẽ.
|
|
Một chuyên gia phân tích, Trung Quốc là đối thủ xuất khẩu ở một số lĩnh vực của VN, chẳng hạn như lắp ráp điện tử, dệt may… nhưng VN cũng là nước nhập khẩu rất lớn từ nước này. Khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu sụt giảm mạnh đẩy NĐT đa phần thua lỗ, ảnh hưởng đến chi tiêu, tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp, gây hệ lụy đến nhóm doanh nghiệp ở các nước có mối quan hệ giao thương lớn với Trung Quốc, trong đó có VN. Nhìn ở góc độ chính sách tiền tệ, tỷ giá nhân dân tệ (CNY) là yếu tố tác động gián tiếp, tăng áp lực lên những đồng tiền của những quốc gia khác, trong đó có VND. Nên chứng khoán VN bị bán tháo cũng là điều dễ hiểu.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mặc dù chưa có doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán VN, nhưng chính sách tiền tệ, tỷ giá, sản xuất, tình hình kinh tế không sáng sủa của Trung Quốc đều tác động đến cả thế giới, trong đó có VN. “Nền kinh tế của VN đã là nền kinh tế hội nhập khá sâu rộng, vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng, vốn đầu tư nước ngoài tại VN một phần không nhỏ từ Trung Quốc. Nếu cổ phiếu Trung Quốc “sổ mũi hắt hơi” cũng liên đới làm chứng khoán VN “bệnh” theo”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định. Theo ông, thời gian tới, những doanh nghiệp VN có làm ăn với Trung Quốc sẽ bị “soi” kỹ hơn trước khi NĐT đổ tiền vào cổ phiếu.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định những tác động tiêu cực từ nền kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc doanh nghiệp VN không thể tránh. VN với nền kinh tế thị trường, đã chấp nhận cuộc chơi hội nhập, thì cũng phải chấp nhận những diễn biến khó lường, không chỉ của Trung Quốc mà của cả thế giới.
Vàng vẫn rủi ro
Trước việc Trung Quốc phá giá CNY liên tiếp trong những ngày qua, tâm lý nhiều người lo ngại tiền đồng mất giá nên đã có xu hướng chuyển sang mua vàng.
Theo thông tin từ Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, khách nhỏ lẻ đang chọn mua dần vào vì sợ giá tăng cao hơn do những ảnh hưởng khách quan từ bên ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nhận xét: “Vàng đang hưởng lợi từ những thông tin trên thị trường. Giá vàng trong nước đang có xu hướng tăng nhanh hơn thế giới trong ngày”.
Thực tế, diễn biến thị trường vàng cũng tăng nhiệt trong mấy ngày qua. Giá vàng miếng SJC ngày 8.1 tiếp tục tăng thêm 60.000 đồng/lượng so với 7.1 sau khi đã vượt ngưỡng 33 triệu đồng/lượng ở phiên trước đó. Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá bán vàng miếng lên 33,1 triệu đồng/lượng, giá mua lên 32,78 triệu đồng/lượng. Giá mua - giá bán vàng miếng SJC tại Sacombank lên 32,97 - 33,03 triệu đồng/lượng; PNJ lần lượt là 32,8 - 33,1 triệu đồng/lượng; Eximbank là 32,98 - 33,04 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới hôm qua cũng giằng co quanh mức 1.100 USD/ounce và chốt phiên ở mức 1.097 USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất của vàng trong 9 tuần trở lại đây. So với cuối năm 2015, giá vàng thế giới tăng khoảng 40 USD/ounce (tương đương 3,7%).
Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích tư vấn vàng - Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho biết các thông tin từ Trung Quốc đang kéo giá vàng “bật” lên nhanh hơn trong những ngày qua. Chỉ trong tuần đầu tiên của năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải ngưng giao dịch 2 lần, CNY liên tục bị phá giá. Bên cạnh đó, sự căng thẳng tại khu vực Trung Đông đã làm tâm lý NĐT quay lại với vàng. Theo dõi động thái của các NĐT nước ngoài thì thấy việc mua vàng là yếu tố tâm lý tức thời. Việc mua vào chưa xảy ra một cách ào ạt với khối lượng lớn để giá có thể tăng mạnh thật sự, do đó các NĐT "nhảy" vào vàng để lướt sóng, để trú ẩn lúc này là khá rủi ro vì giá vàng chưa thoát và vẫn trong xu hướng giảm giá. "Mức 1.100 USD/ounce đang được thị trường “test” tới lui nhưng giá phải thật sự bứt qua mức 1.200 USD/ounce mới có thể gọi là tăng. Khả năng Trung Quốc còn phá giá nữa hay không vẫn còn là một ẩn số nên giá vàng cũng tiếp tục là một ẩn số không dễ đoán định", ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng nhận xét: “Giá vàng được kích hoạt tăng từ những thông tin Trung Quốc, Trung Đông, Triều Tiên... sau một thời gian đè nén từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Vàng đang phát huy vai trò “hầm trú ẩn”, thu hút NĐT. Trong ngắn hạn có thể giá sẽ tăng lên mức 1.135 USD/ounce, sau đó ổn định trong dài hạn”.
Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, giá vàng bình quân quanh mức 1.100 - 1.200 USD/ounce. Dù giá vàng thế giới tăng nhưng đầu tư vào vàng tại thị trường nội địa khó hưởng lợi vì giá trong nước rất nhiều phen đi ngược chiều thế giới. Đó là chưa kể những rủi ro có thể phải đối mặt như cách đây khoảng 10 ngày, chênh lệch giữa giá mua - giá bán vàng miếng SJC bị đẩy lên 500.000 - 700.000 đồng/lượng khiến người mua vàng phải chịu lỗ mức này.
|
Bình luận (0)