Chứng khoán Trung Quốc khởi đầu năm 2016 bằng cách giảm 7% kích hoạt chiếc “cầu chì”, khiến thị trường đóng cửa sớm. Song có nhiều lý do quan trọng để nhà đầu tư thế giới không phải quá bận tâm về thị trường nước này.
Ảnh: AFP |
Theo CNN, có một lý do quan trọng để giới đầu tư không phải hoảng sợ vì thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới: thị trường nước này tiết lộ rất ít về sức khỏe nền kinh tế, vì nó bị chi phối bởi những người tiết kiệm nhỏ vốn đặt niềm tin nhiều hơn vào các bản tin đầu tư thay vì các nguyên tắc kinh tế cơ bản.
“Tại nhiều nước, thị trường chứng khoán có thể được xem là chỉ báo hàng đầu của nền kinh tế. Song điều này không đúng với Trung Quốc. Bạn nhận được ít sự liên quan giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế nước này”, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu Jeffrey Kleintop tại hãng Charles Schwab nhận định.
Các nhà phân tích khác cho hay đợt sụt giảm mạnh hôm 4.1 thể hiện nhiều về cách quản lý lộn xộn của Bắc Kinh hơn là sự giảm tốc trong hoạt động, ngay cả khi số liệu sản xuất bi quan là nguyên nhân kích hoạt đợt bán tháo.
Dưới nhiều góc độ, cách chứng khoán Trung Quốc khởi động năm 2016 rất giống với đợt lao dốc vào mùa hè năm 2015. Thị trường Đại lục đã chạm đáy sau một thời gian dài tăng điểm. Các nhà đầu tư chứng kiến hàng ngàn tỉ USD có được khi thị trường tăng điểm bị quét sạch, và các quỹ đầu tư nhà nước mua vào lượng lớn cổ phiếu để vực dậy thị trường.
Kế hoạch giải cứu chứng khoán Trung Quốc làm tiêu tốn nhiều tiền, nhưng đủ để bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm. Quan trọng hơn, dù biến động mạnh vào mùa hè, nhìn chung chứng khoán Trung Quốc vẫn đi đúng theo các dự báo và kỳ vọng mà giới chuyên gia đưa ra.
Dù vậy, các thị trường hiện đang phải đối mặt với những dư âm từ đợt can thiệp chứng khoán năm 2015 của Bắc Kinh. Các nhà đầu tư lo ngại rằng một lượng lớn cổ phiếu sẽ được bán ra một khi lệnh cấm các tổ chức tài chính bán ra cổ phiếu hết hạn vào ngày 8.1 tới đây. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng chiếc “cầu chì”, cơ chế điều chỉnh thị trường mới của Trung Quốc, cũng là yếu tố khuyến khích giới đầu tư bán ra nhiều hơn.
“Chúng tôi cho rằng đợt bán tháo phần lớn xảy ra do tâm lý thị trường bất ổn, trong khi đó, cơ chế mới phần nào phóng đại sự lo lắng của thị trường, dẫn đến một phản ứng thái quá”, các chuyên gia thuộc ngân hàng UBS nói hôm 5.1. Các nhà phân tích trên không cho rằng cổ phiếu Trung Quốc sẽ giảm sâu thêm.
Có những dấu hiệu cho thấy sự can thiệp mới của Bắc Kinh giúp hạn chế tổn thất chứng khoán. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa bơm gần 20 tỉ USD vào hệ thống tài chính, các nhà hoạch định chính sách cũng tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ.
Sẽ tốt hơn nếu các nhà đầu tư quốc tế ít tập trung vào biến chuyển thị trường chứng khoán Trung Quốc, thay vào đó là chú ý hơn vào nền kinh tế được cho là đang tăng trưởng chậm lại của nước này. Giới chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng Đại lục vào khoảng 6,8% trong năm qua, và ở mức 6,5% trong năm nay. Đây là mức thấp hơn nhiều so với những năm qua, Trung Quốc thường xuyên có mức tăng GDP 10%.
Bình luận (0)