Đề xuất đấu giá tín chỉ carbon ra sàn quốc tế
VN và Ngân hàng Thế giới (WB) có Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) giai đoạn 2018 - 2019. Trong đó, VN nỗ lực trong hoạt động hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) cũng như tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Theo thỏa thuận hợp tác nói trên, WB sẽ mua lại lượng giảm phát thải kính nhà kính từ các hoạt động trên tương đương 10,3 triệu tấn CO2.
Tháng 10.2023, WB gửi thư cho Bộ NN-PTNT xác nhận báo cáo kết quả thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải kỳ 1. Trong đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn CO2. Ngày 21.3.2024, WB cho biết đã chuyển cho VN 51,5 triệu USD (trên 1.200 tỉ đồng) để chi trả theo hợp đồng ký kết 10,3 triệu tấn CO2.
Như vậy, phần dôi dư trong các hoạt động giảm phát thải của VN hiện còn khoảng 5,91 triệu tấn CO2. Để giải quyết lượng "hàng tồn" này, Bộ NN-PTNT có báo cáo đề xuất Chính phủ cho phép chuyển nhượng tiếp 1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho VN.
Về 4,91 triệu tấn CO2 còn lại, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để đề nghị WB xem xét giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện theo ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ VN kết nối thực hiện thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
Theo các chuyên gia, sản phẩm mà VN và WB đang giao dịch chỉ mới là "báo cáo giảm phát thải" liên quan đến rừng chứ chưa phải tín chỉ carbon được cấp chứng nhận. PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: "WB là đầu mối trong việc thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Họ có khách hàng khắp thế giới và là "đầu mối, đại lý lớn" nên mua nhanh, dễ nhưng giá rẻ. Còn muốn bán giá cao hơn không đơn giản. Hiện tại, sản phẩm đặc thù này mới phát triển mạnh ở thị trường EU - nơi khởi xướng việc trung hòa và bù trừ carbon. Để đưa "hàng" vào thị trường này cần thuê một đơn vị độc lập được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính xác nhận và cấp tín chỉ. Và để ra được tín chỉ như vậy cũng cần tốn thêm một khoản chi phí, phải tìm được khách hàng tiềm năng…"
Thị trường EU giá cao, nhưng không dễ
Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Công ty CP Netzero Carbon VN, hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sản xuất và thu mua carbon ở thị trường VN, cho biết công ty mới chỉ thu mua tín chỉ carbon từ các dự án năng lượng tái tạo và phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh để thu mua "báo cáo giảm phát thải carbon". Mức giá thu mua dự kiến các "báo cáo giảm phát thải" trên lúa là 20 USD/tấn CO2. Đối với tín chỉ carbon từ rừng, công ty chưa có kinh nghiệm nên chưa tham gia.
"Nhưng thông tin việc VN đang có sẵn gần 5 triệu tấn CO2 là một thông tin hấp dẫn, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm. Cũng như những hàng hóa nói chung, mỗi loại tín chỉ carbon được phân theo từng đối tượng (rừng, lúa, năng lượng tái tạo…). Tùy theo đối tượng mà có cơ chế bù trừ rất khác nhau do đó giá cũng có khác biệt lớn. Nên nói giá cao hay thấp cần xác định lại chất lượng tín chỉ. Ví dụ đối với cây lúa, châu Âu chưa cấp phép cũng như công nhận bất kỳ loại tín chỉ nào nên chúng tôi chỉ tổ chức kiểm kê và thu mua "báo cáo giảm phát thải" để bán cho các doanh nghiệp dầu khí ở Trung Đông. Báo cáo này được xây dựng dựa trên các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định của LHQ", ông Tiến thông tin.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giám định và chứng nhận tín chỉ carbon, ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Bureau Veritas VN, nói: "Châu Âu là nơi khởi xướng cũng như xây dựng lộ trình trung hòa carbon cũng như cơ chế bù trừ carbon xuyên biên giới - CBAM. Từ năm 2026, những doanh nghiệp thuộc diện bị điều chỉnh bởi CBAM phải mua tín chỉ từ sàn giao dịch EU nên chắc chắn sàn này sẽ có tính thanh khoản cao và lượng hàng tồn kho ít. Họ lại khớp lệnh theo giá trung bình theo tuần nên khả năng mình sẽ chọn được thời điểm giá cao để bán".
Tuy nhiên, theo ông Khuê, để đưa lên sản phẩm vào được thị trường châu Âu không phải dễ. "Có một số yếu tố kỹ thuật cơ bản và quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu. Thứ nhất, chất lượng tín chỉ phụ thuộc vào loại hình dự án. Theo đó, giá bán các tín chỉ carbon từ dự án năng lượng tái tạo hoặc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ thấp hơn rất nhiều tín chỉ carbon từ rừng. Thứ 2, tín chỉ carbon có "retirement time" - thời hạn sử dụng sau khi tín chỉ được tạo ra càng ngắn, giá bán sẽ giảm. Bên cạnh đó, việc trung hòa carbon có tiêu chuẩn ISO mới là ISO 14068, là điều kiện sử dụng tín chỉ carbon để trung hòa. Đây là những điều mà các nhà sản xuất tín chỉ carbon cũng cần phải biết để nắm bắt thị trường, bán được giá tốt", ông nói.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: Ở thời điểm hiện tại, thị trường này còn khá mới mẻ nên giá cả mặt hàng này thế nào cũng rất khó nói là cao hay thấp. Ngoài ra nó còn phụ thuộc cơ chế tự nguyện hay bắt buộc. Tuy nhiên, về lâu dài thị trường sẽ phát triển tốt khi cơ chế CBAM chính thức được áp dụng.
Bên cạnh đó, theo cam kết của VN với thế giới trong việc đưa phát thải ròng về 0 thì sắp tới nhu cầu của Chính phủ và doanh nghiệp VN cần có tín chỉ để chứng minh việc trung hòa carbon cũng rất lớn. Nếu xác định tầm nhìn như vậy thì việc chúng ta bán giá nào không quá quan trọng mà quan trọng hơn là chúng ta "đầu tư, tích trữ" các chứng chỉ để phục vụ cho nhu cầu nội tại. Có thể bây giờ chúng ta bán 1 đồng nhưng một vài năm tới, khi lộ trình chính thức áp dụng, thị trường hình thành chúng ta phát sinh nhu cầu, phải mua lại với giá đến 2 - 3 đồng.
Tín chỉ carbon có thể lên tới 100 USD
Từ tháng 1.10.2023, EU đã bắt đầu áp dụng "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM". Từ thời điểm đó kéo dài đến hết tháng 12.2025 là giai đoạn ghi nhận báo cáo số liệu. Từ 1.1.2026 - 2034 sẽ là giai đoạn vận hành thí điểm từng phần, áp dụng với một số mặt hàng. Từ năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn phần, khi đó hàng hóa vào thị trường EU phải đạt chuẩn trung hòa carbon (lượng phát thải carbon = 0 hay Net Zero). Trong trường hợp, sản phẩm không đạt chuẩn Net Zero sẽ phải trả phí môi trường, mức phí (thuế) mà EU dự kiến khoảng 85 EUR, tương đương 100 USD/tín chỉ. Đó là lý do vì sao nhiều thông tin cho rằng giá tín chỉ carbon có thể lên đến trên 100 USD.
Bình luận (0)