Bản tin Covid-19 ngày 8.7: TP.HCM căng thẳng trước giờ giãn cách theo Chỉ thị 16
08/07/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 8.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 8.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Số ca bệnh trên cả nước tăng chóng mặt
Ngày 8.7 chứng kiến kỷ lục dịch bệnh chưa từng có với 1.307 ca bệnh mới, trong đó chỉ riêng TP.HCM đã chiếm tới 915 bệnh nhân. Trong ngày cũng có 393 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin cụ thể về 1.314 ca mắc mới được công bố trong ngày 8.7 như sau:
+ 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (3 ca), Kiên Giang (2 ca), Tây Ninh (2 ca).
+ 1.307 ca ghi nhận trong nước; trong đó 1.226 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cụ thể: TP.HCM (915 ca), Bình Dương (135 ca), Đồng Tháp (108 ca), Khánh Hòa (28 ca), Phú Yên (24 ca), Vĩnh Long (17 ca), Quảng Ngãi (14 ca), An Giang (11 ca), Cà Mau (11 ca), Bắc Giang (9 ca), Bắc Ninh (8 ca), Hà Nội (5 ca), Lâm Đồng (3 ca), Gia Lai (3 ca), Bình Phước (3 ca), Bạc Liêu (2 ca), Trà Vinh (2 ca), Hưng Yên (2 ca), Nghệ An (1 ca), Bình Định (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Bến Tre (1 ca).
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 24.385 bệnh nhân Covid-19; trong đó 22.487 ca ghi nhận trong nước và 1.898 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 20.917 ca.
- Số ca tử vong: 105 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 8.950 ca.
Thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong
Trưa nay, 8.7, Bộ Y tế thông báo 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong, tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang. Các bệnh nhân có bệnh nền và viêm phổi nặng do SARS-CoV-2.
Theo thông báo của Bộ Y tế trưa nay, 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong là các ca tử vong số 103 - 105 tại Việt Nam.
Trong đó, ca tử vong số 103 là bệnh nhân 12566 (nam, 74 tuổi), địa chỉ tại Q.4, TP.HCM.
Ca tử vong số 104 là bệnh nhân 13041 (nữ, 72 tuổi), địa chỉ tại Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Ca tử vong số 105 là bệnh nhân 10096 (nữ, 67 tuổi), địa chỉ tại H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên vắc xin Covid-19 cho TP.HCM
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7 cho TP.HCM, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin kịp thời.
Sáng nay, 8.7, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông tin cho biết Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của TP.HCM về việc được áp dụng Chỉ thị 16 có dự lệnh, ngay sau khi UBND TP.HCM có đề xuất; đồng thời giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7 cho TP.HCM, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin kịp thời.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7 năm 2021 cho TP.HCM; chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, an toàn và hiệu quả.
TP.HCM cấm vé số dạo, ăn uống mang về
Trưa 8.7, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, áp dụng từ 0 giờ ngày 9.7 trong nửa tháng tới.
Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
TP.HCM tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9.7.
Những ngành nào được hoạt động khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16?
Trưa 8.7.2021, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, áp dụng từ 0 giờ ngày 9.7 trong nửa tháng tới. Trong đó, UBND TP.HCM nêu rõ những ngành nghề được phép hoạt động khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch Covid-19.
Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
TP.HCM cho phép các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp như 5K, khai báo y tế, giảm mức độ tập tập, tổ chức đưa đón người lao động chặt chẽ…; nếu không đảm bảo thì phải tạm dừng hoạt động.
Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM chuyển sang phương thức làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ những trường họp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở; chỉ duy trì các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị, khi tổ chức không quá 10 người tham dự.
Những điểm cần lưu ý khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 7.7.2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để phòng, chống dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7.
Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng ban hành ngày 31.3.2020. Chỉ thị này yêu cầu các địa phương thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Do đó, người dân TP.HCM cần nắm rõ 6 điểm sau đây để chấp hành Chỉ thị 16
TP.HCM tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mới ban hành trưa 8.7, UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM tổ chức lại hoạt động của 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 do thành phố kiểm soát.
Vào hồi tháng 5.2021, TP.HCM vận hành 12 chốt kiểm soát dịch chính để kiểm soát người và phương tiện ra vào trên các tuyến đường kết nối 4 tỉnh giáp ranh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Người muốn vào TP.HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có công điện hoả tốc yêu cầu các đơn vị trong ngành, các sở Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố khác, hoặc từ tỉnh, thành phố khác đến TP.HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết, không buộc phải có giấy xét nghiệm nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp khi đi lại hằng ngày giữa TP.HCM đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Chỉ thị 16 và Chỉ thị 10 khác biệt ra sao?
0 giờ ngày 9.7.2021, TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ để đối phó tình hình dịch bệnh Covid-19 leo thang.
Trước đó, TP.HCM đã áp dụng Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM từ ngày 19.6.2021.
Vậy, những điểm khác biệt lớn nhất khi TP.HCM áp dụng 2 chỉ thị này để chống dịch là gì?
Rối loạn ở bãi xe tại TP.HCM trước giờ giãn cách xã hội
Cảnh tượng rối loạn đã xảy ra ở trước bãi xe số 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào chiều 8.7.2021.
Đến 14 giờ, hàng chục người dân vẫn tập trung trước bãi xe đợi lấy hàng hóa từ các tỉnh gửi. Tuy nhiên, họ vẫn chưa lấy được hàng do bãi xe này bị phong tỏa từ sáng cùng ngày vì không phòng dịch Covid-19.
Cổng ra vào bãi xe đã bị cơ quan chức năng căng dây, nhiều người tập trung phía trước đợi nhận hàng mặc dù trời mưa. Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho những người bên trong bãi xe.
Một số người dân cho biết hàng hóa được người thân gửi vào chủ yếu là thịt, cá, rau củ… để dự trữ chuẩn bị cho những ngày giãn cách sắp tới. Tuy nhiên, sau khi đến bãi xe này thì bị kẹt bên trong gần một ngày khiến các loại thực phẩm có thể bị hư hỏng do để quá lâu.
Người dân tất bật rời TP.HCM trước giờ phút TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16
Cảnh tượng đông đúc đã xảy ra ngay tại chốt kiểm soát Covid-19 dưới chân cầu Đồng Nai vào sáng 8.7.2021. Chỉ còn ít giờ nữa, TP.HCM sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ trong vòng 15 ngày để chống dịch Covid-19. Nhiều người dân đã chọn lựa cách về quê để “trốn dịch”.
Trong dòng người bị chặn lại này, có nhiều người quê ở Bình Thuận, Đồng Nai nhưng sinh sống và làm việc tại TP.HCM, bây giờ TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 họ quyết định về quê.
Cận cảnh những chung cư thành bệnh viện dã chiến ở TP.HCM
Để ứng phó dịch bệnh Covid-19 với kịch bản 10.000 và 15.000 ca mắc trên địa bàn, bên cạnh 5.000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công năng, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với tổng quy mô 12.000 giường.
Ngày 8.7.2021, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 ở khu chung cư tái định cư Bình Khánh (tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đã đi vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Trước đó, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 với quy mô 4.000 giường đặt tại Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã đi vào hoạt động từ này 28.6.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 tại khu chung cư tái định cư quận 12 với quy mô 2.000 giường cũng đã đi vào hoạt động từ ngày 5.7. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 quy mô 3.000 giường cũng bắt đầu đi vào hoạt động.
Hiện nay, TP.HCM đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch và các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 có triệu chứng có hoặc không có kèm bệnh lý nền tương với tổng công suất là 5.000 giường.
Một phụ nữ “thông chốt” phong tỏa Covid-19 còn cắn công an
Một phụ nữ đeo khẩu trang không đúng cách đi vào khu vực phong tỏa. Khi được cầu dừng lại để xử lý, người này giật cầu vai và cắn chảy máu tay thượng úy công an đang làm nhiệm vụ tại đây.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 7 giờ 15 ngày 8.7, trong lúc tổ công tác của Công an P.6, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đang trực chốt tại điểm phong tỏa đoạn đường Trần Ngọc Giải thì phát hiện 1 phụ nữ đi bộ đeo khẩu trang không che mũi và miệng băng ngang khu vực phong tỏa phòng chống dịch Covid-19.
Ông chủ khách sạn 3 sao trung tâm Sài Gòn miễn phí lưu trú đến hết dịch Covid-19
Một khách sạn Q.1, TP.HCM quyết định miễn phí ăn ở, lưu trú cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch như y bác sĩ, dân quân, tình nguyện viện… và người dân gặp khó khăn để cùng chung tay chống dịch.
Khách sạn Ambassador toạ lạc tại 84A Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện khách sạn có 61 phòng, có phòng đơn và phòng đôi, phòng 2 giường có thể ở tối đa 4 người, dự kiến lưu trú từ 100 - 150 khách. Ngoài hỗ trợ miễn phí lưu trú, khách còn được hỗ trợ suất ăn miễn phí mỗi ngày từ đơn vị Foodbank Việt Nam để yên tâm cống hiến sức mình cho công tác phòng chống dịch.
“Khách lưu trú và cách ly tại khách sạn được hỗ trợ suất ăn miễn phí trong những ngày cách ly. Trước đây, Foodbank cũng từng hỗ trợ suất ăn miễn phí cho các điểm cách ly, công nhân nghèo khó”, anh Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Lưu cho biết, tất cả các khách đến đây đều phải khai báo y tế và đã được tiêm vắc xin đồng thời có giấy xét nghiệm âm tính trong khoảng 1 tuần trở lại.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến khó lường, khách sạn có quy định thời hạn tối đa hay tối thiểu cho người ở không? Đại diện đơn vị dự án thông tin: “Không có thời hạn tối đa hay tối thiểu. Dự án hỗ trợ cộng đồng miễn phí nên sẽ thực hiện xuyên suốt dịch”.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 7.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)