Những bạn trẻ 18 tuổi Khoa Tài nguyên - Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng vậy. Họ đang là những “đại sứ môi trường” trong chính gia đình mình.
Nguyễn Ngọc Hải Hà (18 tuổi), sinh viên năm nhất của trường nói trên, cho biết trong những ngày được nghỉ học, cô có nhiều thời gian ở cùng gia đình tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) hơn. Mỗi khi cùng mẹ đi chợ, nấu nướng, làm việc nhà, Hà chia sẻ với mẹ nên dùng ít nhất túi ni lông có thể, thay vào đó mình có thể xách giỏ đi chợ, hoặc dùng những loại túi có thể dùng đi dùng lại nhiều lần. Thông điệp đó được con gái nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong nhiều ngày liên tiếp nên mẹ Hải Hà cũng đang dần dần thay đổi được thói quen, cùng con gái “sống xanh” hơn.
Hay như Phạm Thị Tuyết Trinh, 18 tuổi, quê Quảng Ngãi, đang là “đại sứ” môi trường theo cách khác. Cô nhắc nhở những thành viên trong gia đình mình bảo vệ môi trường từ chiếc khẩu trang y tế mang hằng ngày để phòng dịch. “Những ngày phòng dịch bệnh Covid-19, số lượng khẩu trang y tế sử dụng và thải ra bên ngoài lớn hơn, nếu không dùng đúng cách, bỏ vào thùng rác đúng chỗ thì lại là nguồn lây lan bệnh tật, ô nhiễm môi trường”, Trinh chia sẻ.
Trong khi đó, dịp nghỉ học vì Covid-19 là thời gian để Nguyễn Như Ý, trú TP.HCM trồng được nhiều cây xanh hơn trong không gian ngôi nhà mình. Như Ý cho biết là sinh viên theo học ngành này của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô ít có thói quen dùng đồ nhựa một lần rồi bỏ đi. “Mọi thành viên trong gia đình em cũng dường như quen với điều đó, hạn chế tối đa túi ni lông hay đồ nhựa một lần. Nếu có chai, hộp không dùng đến, em đều tận dụng để trồng cây”, Như Ý nói.
Phạm Thị Tuyết Trinh cùng với những bạn trẻ 18 tuổi khác của lớp thiết kế ra thùng trồng rau hai ngăn nuôi giun quế kết hợp xử lý rác thải hữu cơ. Trinh cho hay giun quế trong quá trình ăn rác thải hữu cơ cũng sẽ sinh ra phân, để làm màu mỡ, tơi xốp cho đất. Ở nhiều vùng quê để làm nông nghiệp, họ có những bãi đất để ủ rác hữu cơ làm phân bón, tuy nhiên, nếu kết hợp nuôi cùng giun quế, hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ sẽ cao hơn gấp nhiều lần. “Những chiếc thùng có 2 ngăn, một ngăn để ủ rác thải hữu cơ trong gia đình, như vỏ trái cây, gốc rau xanh… và kết hợp nuôi giun, ngăn kia để trồng rau. Thùng nhỏ phù hợp với nhịp sống ở đô thị, ngay như TP.HCM nếu có ban công, sân thượng có ánh sáng đều có thể tận dụng trồng rau được”, Trinh trao đổi.
Trong khi đó, Nguyễn Như Ý và các bạn học của mình thiết kế mô hình trồng cây thanh long kết hợp năng lượng mặt trời. Theo đó, tấm pin năng lượng mặt trời được lắp ở bên trụ trồng cây thanh long, điện năng dùng để thắp sáng cho vườn cây vào ban đêm, một phần để kích hoạt máy bơm nước nhỏ giọt, còn lại nếu không tiêu thụ hết có thể phục vụ trong gia đình.
Bình luận (0)