Thích mặc áo dài đón tết
Tô Anh Đào (24 tuổi), ngụ đường Trường Chinh, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ như mọi năm sẽ đón giao thừa ở nhà. Sau đó mùng 2 sẽ đi du lịch nơi xa để thư giãn và nghỉ ngơi. Thông thường phong tục đón tết của Đào và gia đình sẽ có 3 giai đoạn trước, trong và sau tết. Trước tết Đào sẽ phụ mẹ sắm sửa như: mua một bộ ấm chén mới, liên hệ chỗ đặt gà quen thuộc. Trong tết, ngày giao thừa, mùng 1 sẽ là ngày Đào dành thời gian cho gia đình và đi chúc tết họ hàng. Mùng 2, Đào sẽ đi chơi với bạn bè và cả nhà sẽ đi du lịch. Bởi khoảng 2 năm trở lại gia đình Đào thường đi du lịch vào dịp tết.
Tô Anh Đào thích đón tết cùng gia đình |
NVCC |
Trong những ngày đi chơi tết, Đào và mẹ sẽ diện áo dài. Áo dài vừa thể hiện không khí ngày tết và cũng là để tất cả mọi người trong họ hàng có thể chụp với nhau những bức ảnh kỷ niệm đẹp. Năm nào gia đình Đào cũng có thông lệ chụp ảnh này.
Đào chia sẻ mâm cỗ miền Bắc vào ngày tết cầu kỳ, chú trọng vào từng chi tiết, giữ nét văn hóa truyền thống gia đình như: bánh chưng, gà luộc, nem rán, giò lụa, thịt nấu đông, canh măng... được xem là món bắt buộc phải có dịp tết. Vì ông bà trong nhà xem đây là thể hiện sự sung túc, no đủ nên cần chuẩn bị thật tươm tất và cầu kỳ. Tuy nhiên, gia đình Đào cũng bổ sung thêm những món mới như bánh gạo hàn quốc, xúc xích rán…
Mùng 1, gia đình Đào sẽ cùng nhau đi chùa cầu bình an, sức khoẻ cho một năm mới. Ngoài ra, Đào cũng không quét nhà trong 3 ngày tết vì ông bà và bố mẹ Đào đều quan niệm ngày tết mà quét nhà sẽ "quét" cả may mắn của năm mới đi theo.
Đào cho biết càng hiện đại thì việc chuẩn bị và đón tết của Đào càng tối giản hơn. “Ví dụ 2 năm trở lại đây nhà mình sẽ đi du lịch sau mùng 3 tết. Tết như một dịp để người đi làm xa như mình về sum vầy với gia đình, cũng là dịp để bố mẹ được nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc, công tác”, Đào nói.
Nấu bánh chưng, bánh tét chờ tết
Nguyễn Thị Minh Lý (29 tuổi), làm việc tại Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Sunrise Holdings, kể rằng như mọi năm, nhà Lý ở Huế đều trang trí nhà cửa thật tươi mới để chụp hình tết. Tuy nhiên, năm nay dự kiến chỉ đón tết bình thường với đủ đầy thành viên sum vầy bên nhau.
Lý sẽ phụ gia đình dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cùng làm bánh chưng, bánh tét để cúng giao thừa, đưa rước ông bà tổ tiên, cúng tất niên vào ngày giao thừa. Lý cùng gia đình đón giao thừa, chúc tết ông bà, cha mẹ, gọi điện thoại với những người thân không về quê được. Đồng thời sẽ đi mộ thắp nhang tổ tiên, đi chúc tết họ hàng. Sau đó những ngày còn lại Lý hẹn hò cùng bạn bè xúng xính đi chơi.
Minh Lý (áo trắng) thích cảm giác quây quần cùng gia đình ngày tết |
Những ngày tết, Lý sẽ diện những bộ đồ mình yêu thích để đi chụp hình, những bộ áo dài cũ của mẹ hay của thời học sinh còn giữ lại, có thể tiết kiệm chi phí sắm đồ. Ngoài ra cũng diện thêm quần áo mùa đông, phù hợp khí trời Huế vào dịp tết.
Theo Lý, món ăn truyền thống của gia đình vẫn là hạt dưa, mứt gừng, thêm những món ăn nhẹ. Ngoài ra, còn những món ăn quen thuộc của người miền Trung như: dưa món, né, chả bò, gân kiệu...
Lý cũng cho biết đầu năm gia đình cô sẽ không quét nhà và không có sự giận dỗi, tiếng to trong gia đình. Sở dĩ là vì mong muốn tài lộc sẽ được giữ trong nhà, giúp gia đình cả năm thịnh vượng, sự vui vẻ, và không giận hờn góp phần mang đến sự hạnh phúc của một năm trọn vẹn hơn.
Tết là không thể thiếu thịt kho hột vịt
Lê La Kim Ngân (28 tuổi), ngụ tại đường Văn Thân, P.7, Q.6, TP.HCM, cho biết cô nàng sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Tuy nhiên, gia đình Ngân là người Việt gốc Hoa nên vẫn giữ vẫn giữ văn hóa truyền thống người Hoa.
Ngân chia sẻ, những ngày trước tết là những ngày tất bật, nhộn nhịp và thú vị. Khi thời điểm bước sang tháng chạp, Ngân cùng gia đình chọn ngày lành để làm lễ tạ thần - lễ tạ ơn trời, phật, ông bà đã phù hộ gia đình một năm bình an. Lễ này trùng vào ngày đưa ông táo (tối 23 tháng chạp) kết hợp lễ tạ thần để đơn giản hóa. Tiếp đó, Ngân đi tảo mộ, đi thăm viếng, dọn dẹp nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên.
Kim Ngân (bên trái) gia đình luôn giữ gìn truyền thống mỗi khi đón tết |
Dù ở thành phố nhưng cả nhà cùng nhau gói và nấu bánh tét, thức thâu đêm trò chuyện về một năm cũ đã qua. Đồng thời Ngân cũng dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, mua sắm cây kiểng, trang trí liễn, câu chúc, treo bao lì xì khắp cây mai, đào, tắc, trưng mâm ngũ quả (5 loại trái cây: mãng cầu, sung, dừa, xoài, đu đủ mang ý nghĩa cầu vừa đủ xài và sung túc)... Nhà Ngân cũng như những người Hoa khu Chợ Lớn treo chữ “Phúc” hoặc “Xuân” đảo ngược trên cửa, chữ ngược tiếng Hoa đọc là đáo (đến), nhằm ý nghĩa Phúc đến, Xuân đến.
Vào ngày mùng 1, Ngân thường hay xem tuổi để xem hướng xuất phát, giờ khởi hành tốt cho một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đạo bình an. Ngoài tập tục cúng gia tiên, mọi người cũng cùng nhau đi lễ chùa, hái lộc đầu xuân để cầu may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình. Người Hoa còn gọi mùng 1 là tết mẹ, với ý nghĩa con cái đã xuất giá, sẽ cùng gia đình về nhà ngoại ăn tết, mùng 2 tết cha, sau đó mới đến thăm họ hàng, bạn bè.
Ngân thường chọn trang phục màu vàng hoặc đỏ, theo phong thủy, việc chọn những đồ có màu sắc hợp mệnh sẽ giúp mình gặp may mắn trong mọi mặt, sức khỏe, tiền tài, tình duyên.
Trong mâm cơm đầu năm, Ngân cũng chuẩn bị thịt kho hột vịt, củ kiệu ngâm kết hợp cùng tôm khô và trứng bát thảo, bánh tét, canh khổ qua, dưa hấu đỏ… Về tâm linh, Ngân tránh quét nhà, đổ rác ngày mùng 1, tránh để đổ bể đồ vật, giữ hòa khí tránh gây tranh cãi, khóc lóc.
Bình luận (0)