Đỗ Ngọc Bích, 26 tuổi, tốt nghiệp Học viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội), đang trú ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã lập gia đình và đang có một con gái 2 tuổi. Vì muốn vừa có thu nhập, vừa có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, Bích đã chọn freelancer. Công việc của cô là viết bài PR, quảng cáo, thiết kế web... cho các cá nhân, công ty có nhu cầu.
“Ngoài ra, các vị trí của freelancer cho phép tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và yêu cầu của khách hàng cũng rất đa dạng. Điều này cho tôi cơ hội thử sức ở nhiều mảng và phải cố gắng thúc đẩy bản thân tự học nhiều hơn, do đó tôi chọn làm tự do”, Bích nói.
Bích làm freelancer từ năm 2013 tới nay, thu nhập từ 4-6 triệu/tháng. Nếu làm hết công suất thì thu nhập có thể lên tới 10 triệu đồng, có thể cao hơn làm cố định trong một công ty nào đó.
tin liên quan
Sức mạnh của người trẻ nằm ở công nghệDiễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017 (VOF) đang diễn ra tại Đà Nẵng, bền lề hội nghị cấp cao APEC là cơ hội để đại biểu trẻ từ 21 nền kinh tế thành viên góp tiếng nói vì sự phát triển chung của khu vực.
Tuy nhiên, Bích chia sẻ áp lực của công việc tự do này nhiều khi đến từ chính người thân. “Điều đáng sợ nhất không phải là những lời bình luận hay hỏi thăm trực tiếp, công khai, mà là những lời bóng gió của người thân quen về việc thu nhập không ổn định, không có bảo hiểm, thưởng lễ tết, không có “tiếng tăm”… Hoặc tệ hơn nữa là lời xầm xì khích bác của những người lạ, người quen sơ sơ, cho rằng tôi là đứa thất nghiệp, ăn bám, lông bông…, khiến người thân của tôi càng thêm kỳ thị với lựa chọn của tôi”, cử nhân Học viện Báo chí - Tuyên truyền thẳng thắn.
Nguyễn Trọng Khương, 27 tuổi, tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trú ở quận Hà Đông, Hà Nội đang làm freelancer ở 6 công ty. Anh vừa đọc bản tin cho một trang tin tức online, thuyết minh phim cho một công ty, làm biên tập tại một đài truyền hình, dẫn chương trình tại nhiều sự kiện...
Khương chia sẻ: “Tôi chọn freelancer vì thời gian của mình sẽ linh hoạt hơn, mối quan hệ nhiều, tôi cũng sẽ năng động hơn, làm việc tốt hơn”.
|
Một ngày của Khương có thể là làm việc từ 7 giờ sáng tới 12 giờ đêm, hoặc có thể được nghỉ nửa ngày để cà phê với bạn bè hay làm điều anh thích. Khương bật mí, “tối đa, tôi có thể kiếm đến 40 triệu đồng/tháng từ tất cả các công việc mà tôi làm”.
Song, Khương thừa nhận, anh đôi khi vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều về công việc của mình: “Nhiều người thân của tôi vẫn cho rằng, cần phải có một công việc ổn định thì sẽ tốt hơn, freelancer vẫn là khái niệm mới mẻ”.
Trần Thị Hằng, 27 tuổi, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, hiện đang làm freelancer cho một công ty sách, ngoài ra cô đi thuyết minh phim và nhận các show cần người dẫn chương trình. “Tôi kiếm được tối đa 23 triệu đồng/tháng. Công việc là do mình thu xếp, mình khỏe có thể làm nhiều, khi mệt lại được chủ động nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mẹ tôi cũng không vui khi tôi làm freelancer, bà luôn muốn con cái làm ở đâu được đóng bảo hiểm xã hội, rồi thưởng lễ tết”, Hằng bộc bạch.
Mặc kệ người ta nói
Đỗ Ngọc Bích cho rằng cô hiểu tâm lý của những người đã cho rằng cô “lông bông”, bởi “người Việt Nam luôn thích sự an toàn, ổn định. Do đó, những công việc freelancer, dù có thu nhập cao nhưng vẫn không thuyết phục bằng việc làm ở cơ quan nhà nước hay công ty nào đó với mức lương tạm tạm, hằng tháng lĩnh lương, làm lâu năm có bảo hiểm, có cơ quan đoàn thể…”.
Tuy nhiên, Bích vẫn theo đuổi freelancer, cô đã thuyết phục được mẹ và chồng ủng hộ mình. “Về tinh thần, gia đình đã ủng hộ tôi bằng cách nhất trí cho tôi làm freelancer, nghe tôi tâm sự về các khách hàng và công việc. Về thực tế, ủng hộ bằng cách phân công nhau đảm nhiệm việc chăm con, làm việc nhà… giúp tôi không cảm thấy đơn độc và có thời gian nghỉ ngơi, không bị quá tải. Tất nhiên để có được sự ủng hộ đó thì tôi đã trải qua quá trình cố gắng rất lâu dài và dần dần mọi người mới hiểu được”.
|
"Freelancer là một nghề có nhiều rủi ro, và người làm freelancer cần chia sẻ với gia đình để xác định và chấp nhận những rủi ro đó. Đặc biệt ở vị trí một người phụ nữ, khi theo đuổi loại công việc này. Tôi sẽ phải cố gắng gấp đôi để vừa chu toàn việc nhà, vừa không thụt lùi về chuyên môn", Bích nêu quan điẻm.
Nguyễn Trọng Khương cho biết anh sẽ không đi tìm công việc ổn định nào khác, trước 30 tuổi. “Có thể thời gian tới tôi sẽ kinh doanh nữa, freelancer rất thú vị”, Khương nói.
Còn Trần Thị Hằng cho hay, cô không mấy quan tâm đến việc người ta nghĩ gì và nói gì về công việc của mình, miễn mình làm việc lương thiện và có thu nhập tốt.
Kỹ sư Ngô Cự Mạnh, người làm ra sản phẩm khóa nhà thông minh điều khiển bằng điện thoại di động, được trao giải Siêu Việt trong chung kết cuộc thi Vietnam IoT Hackathon 2017 (Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tổ chức) cho hay việc nhiều bạn trẻ hiện nay theo đuổi freelancer là chuyện bình thường theo vận hành của xã hội ngày càng kết nối và phẳng hơn. “Một phần nhờ công nghệ đã tạo điều kiện tốt hơn để mỗi người có sự lựa chọn tốt hơn cho mình”, anh Mạnh nói.
Nhận định về những rủi ro của freelancer, anh Mạnh cho rằng, việc gì cũng có hai mặt của nó. “Freelancer thì các bạn phải giải quyết 2 vấn đề, thu nhập có đều đặn không, kỹ năng làm việc có tốt không. Nói kỹ hơn về kỹ năng làm việc, tôi tập trung vào hai cái là kinh nghiệm chuyên sâu và quy trình làm việc. Freelancer thì khó đạt được điều đó tốt hơn là ở một công ty quy củ. Ở công ty thì hai điều đó luôn sẵn có nhưng đổi lại thì người ở đó lại phải giải quyết vấn đề là có đủ cố gắng và làm việc hết mình hay không?", anh Mạnh phân tích.
|
Bình luận (0)