Bạn trẻ nên làm gì để không bị thiếu hụt trong chi tiêu?

Lê Thanh
Lê Thanh
26/05/2022 19:00 GMT+7

Quản lý tài chính cá nhân là quản lý cảm xúc trong chi tiêu, tuân thủ tính kỷ luật tự đặt ra với bản thân. Bạn trẻ cần theo dõi chi tiêu xem có đúng với kế hoạch và điều chỉnh ngay lập tức nếu bị thâm hụt.

Thạc sĩ Đoàn Đức Minh (bìa phải), chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân, chia sẻ với sinh viên tại buổi tọa đàm “Tự lập về tài chính dễ hay khó?"

LÊ THANH

Đó là lời khuyên của thạc sĩ Đoàn Đức Minh, chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân, tại buổi tọa đàm “Tự lập về tài chính dễ hay khó?". Đây là chương trình do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam (T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam) phối hợp với Quỹ Trí tuệ Việt tổ chức tại TP.HCM vào ngày 26.5.

Đảm bảo khoản tiền cần thiết để không làm gián đoạn việc học

Theo anh Lâm Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, hiện nay, mối lo về tài chính cá nhân trong quá trình theo học đại học đang trở thành một gánh nặng đối với nhiều sinh viên.

“Gánh nặng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, chất lượng học tập của các bạn. Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra tâm lý vững vàng, tự tin trong việc quản lý tài chính cá nhân của sinh viên, loại bỏ bớt những lo nghĩ để nâng cao chất lượng học tập”, anh Lâm Tùng chia sẻ.

Sinh viên tham gia tọa đàm

LÊ THANH

Một câu hỏi được nêu lên trong buổi tọa đàm: “Sinh viên từ quê lên thành thị học đại học thì cần phải lưu ý những điều gì để không bị thiếu hụt, lạm phát trong chi tiêu?".

Đáp lại, thạc sĩ Đoàn Đức Minh cho biết: “Trước tiên, các bạn phải viết ra những chi tiêu cần thiết cho việc ăn ở và việc học. Những khoản lớn cần lưu ý là tiền thuê nhà trọ (điện, nước, internet), tiền ăn, tiền xăng xe đi lại, tiền sách vở, các khoản phụ thu cho việc học… Đây là những khoản tiền cần thiết, bắt buộc phải chi để không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến việc học. Sau đó, các bạn mới tính đến những khoản khác như giải trí, vui chơi, mua sắm".

“Việc quan trọng kế tiếp là cần ghi chép lại chi tiêu mỗi ngày để có thể tổng hợp, theo dõi chi tiêu có đúng với kế hoạch ban đầu đặt ra hay không và điều chỉnh ngay lập tức nếu có sự thâm hụt. Điều quan trọng nhất trong quản lý tài chính cá nhân là quản lý cảm xúc trong chi tiêu và tuân thủ tính kỷ luật tự đặt ra với bản thân. Điều này nói nghe rất dễ nhưng để thực hiện cần phải cố gắng mỗi ngày”, anh Minh lưu ý.

Mọi người nên ghi nhớ nguyên tắc vàng "đừng bao giờ xài quá số tiền bản thân mình kiếm được" để đừng bao giờ hối hận vì câu nói "đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo"

Thạc sĩ Đoàn Đức Minh, chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Quỹ Trí tuệ Việt, lưu ý: “Điều quan trọng nhất là cần phân biệt giữa khái niệm cần và muốn. Mỗi bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng kinh tế gia đình và nhu cầu bản thân. Từ đó, xác định rõ và ưu tiên những chi phí thật sự cần thiết như: tiền trọ, ăn, uống, điện, nước, dụng cụ học tập, chi phí giáo dục... Biết kiểm soát bản thân để hạn chế sa đà vào những chi phí mà bạn muốn nhưng quá tầm tay, bởi chi phí này có hay không nó cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của sinh viên”.

Đừng bao giờ xài quá số tiền bản thân mình kiếm được

Một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Sinh viên mới ra trường vừa đi làm cần phải làm gì để có thể tự chủ được nguồn tài chính của mình?”.

Chị Ngọc Trang đưa ra lời khuyên: “Các bạn cần vạch rõ các bước như sau: Bước 1 là phải quản lý chi tiết các hạng mục chi tiêu, phân bổ tỷ trọng thu nhập cho các khoản tương ứng, đặc biệt là khoản tiết kiệm và đầu tư phải tối thiểu là 20% trên mức thu nhập của mình. Bước 2 là xác định mức chi tiêu tối thiểu và tối đa để làm hạn mức nhắc nhở bản thân chi tiêu thông minh và luôn tìm kiếm các cơ hội để có thêm nguồn thu nhập, cả chủ động và bị động. Bước nữa là tự tin đầu tư vào bản thân để nâng cao giá trị vì đó là tiền đề tăng trưởng thu nhập trong tương lai, chẳng hạn học ngoại ngữ, tham gia các lớp học kỹ năng quản trị và phát triển bản thân...”.

Mọi người nên ghi nhớ nguyên tắc vàng "đừng bao giờ xài quá số tiền bản thân mình kiếm được"

LÊ THANH

Theo thạc sĩ Đoàn Đức Minh, những bạn mới ra trường đi làm sẽ phải có thêm những phát sinh mà thời sinh viên không có như: chi phí mua sắm trang phục phù hợp với môi trường công việc, chi tiêu cho đám tiệc, xã giao…

“Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì chúng ta sẽ có những khoản thiếu hụt chi phí sinh hoạt trong thời gian đầu, chưa kể mức thu nhập ở giai đoạn đầu mới đi làm thường là chưa cao. Sau khi xử lý được các khoản chi tiêu ngắn hạn (thường dưới 1 năm), bạn hãy nghĩ đến các mục tiêu tài chính dài hạn như: học thêm, kinh doanh, đầu tư thêm, tích lũy mua nhà…”.

Nhắc đến chủ đề buổi tòa đàm "tự chủ tài chính dễ hay khó?", anh Minh chia sẻ: “Sẽ có người trả lời dễ và có người trả lời khó. Đã gọi là tài chính cá nhân thì được hiểu là chuyện tiền bạc riêng tư của mỗi người. Không có đáp án đúng hay sai, con số chi tiêu bao nhiêu là đủ, có nên mua cái này hay cái kia?”.

Theo anh Minh, tất cả nằm ở mỗi cá nhân đã lên được kế hoạch tài chính cho mình ở những khoản nhỏ nhất hay chưa.

"Nghe thì rất dễ nhưng để có được thói quen chi tiêu, tiết kiệm thì không phải dễ. Khó khăn lớn nhất chính là bản thân của mỗi người có đủ khắt khe với mình trong chuyện tiền bạc hay không. Mọi người nên ghi nhớ nguyên tắc vàng "đừng bao giờ xài quá số tiền bản thân mình kiếm được" để đừng bao giờ hối hận vì câu nói "đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo", anh Minh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.