Bạn trẻ khởi nghiệp xoay xở trước dịch bệnh Covid-19

02/08/2020 09:09 GMT+7

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp điêu đứng khi chưa kịp vực dậy sau đợt dịch Covid-19 từ đầu năm, nay lại đau đầu với bài toán kinh doanh khi dịch bệnh trở lại với diễn biến rất phức tạp...

Tổn thất rất nặng vì dịch Covid-19

Đình Xô (30 tuổi, nhà khởi nghiệp trẻ) đã viết trên trang của CLB Doanh nhân trẻ khởi nghiệp: “Khởi nghiệp thất bại 5 lần, nhưng lần này nặng nhất vì dịch Covid-19. Cũng may về mặt tài chính không liên lụy tới ai. Nhưng lần này sập nặng quá mình phải dùng tới sổ đỏ đất của gia đình để “cắm” ngân hàng luôn rồi. Mọi người có thể chia sẻ cách khởi nghiệp và quản lý tài chính giúp mình với”.

Đầu tiên cần xác định dịch bệnh là điều không thể tránh được chứ không phải là “vận xui”. Bình tâm, nhìn thẳng vào những thách thức của dịch bệnh và chuyển nó thành đòn bẩy cho những sáng kiến hoặc cơ hội mới. Khoảng lặng này là 
cơ hội để nhìn lại toàn bộ mô hình kinh doanh của mình

TRƯƠNG THANH HÙNG, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Cùng cảnh ngộ, Huỳnh Quốc Huy (chủ nhân dự án khởi nghiệp du lịch trải nghiệm Viet Dynamic) buồn bã cho biết: “Do dịch bệnh nên lĩnh vực du lịch trong 8 tháng chỉ hoạt động chưa đến 3 tháng, và không biết bao giờ mới hoạt động lại được. Năm nay đúng là một năm quá buồn với những người khởi nghiệp về du lịch như mình. Hiện tại các điểm du lịch trải nghiệm mà Huy tổ chức chưa bị ảnh hưởng của dịch, nhưng để đảm bảo an toàn nên vẫn phải dừng hết”.
Cũng khởi nghiệp về du lịch như Huy nên Huỳnh Thị Tố Uyên (30 tuổi, sống tại Nha Trang) đã chịu nhiều khủng hoảng từ đầu năm đến giờ. Uyên chia sẻ: “Đợt dịch từ đầu năm bên mình bị tổn thất rất nặng, phải bán mấy chiếc xe du lịch với giá rẻ bèo để xoay xở tiền ngân hàng, lúc đó mình có đi xin giảm lãi suất nhiều ngân hàng nhưng không được hỗ trợ. Giờ tình hình thế này nữa nên cũng chẳng biết sẽ thế nào”.

Đứng vững trong dịch

Cũng trong tình hình chung như vậy nhưng mới đây nữ doanh nhân 9X Tuệ Nghi (Chủ tịch Pacific Empire Investment) đã chia sẻ tin vui về những thành quả mà thương hiệu mỹ phẩm của cô đứng vững được trong dịch bệnh.
Nữ doanh nhân cho biết ngay từ đầu thương hiệu mỹ phẩm của cô đã hoạt động với một bộ máy tinh gọn, vì vậy khi đại dịch ập đến, cô không bị mắc kẹt vào vấn đề giải quyết các gánh nặng nhân sự mà có thể tập trung toàn lực để đối phó tình hình trước mắt.
“Mình cảm nhận được sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh, nên đưa ra phương án chuẩn bị từ khi còn rất sớm. Cắt giảm các chi phí không cần thiết, khoanh vùng và tập trung chăm sóc khách hàng thân thiết, đưa ra các gói dịch vụ tối ưu và phù hợp với túi tiền của khách hàng hơn trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng, củng cố hệ thống bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử…”, nữ doanh nhân bật mí.
Theo Tuệ Nghi, kinh doanh vốn dĩ là dong một con thuyền ra khơi, nếu không gặp cơn bão này thì cũng sẽ gặp cơn bão khác, không bao giờ tránh được. “Và dịch Covid-19 cũng chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn cơn bão như thế. Vậy cho nên hãy trang bị cho bản thân một tinh thần thép, một tầm nhìn xa và rộng để tự chuẩn bị phương án gia cố “con thuyền” của mình trước khi bão ập đến”, Tuệ Nghi gửi gắm.
Còn với anh Trần Trinh Tường, chủ một cơ sở dạy ngoại ngữ, vẫn giữ được trung tâm đứng vững khi xảy ra dịch trong khi nhiều trung tâm tiếng Anh khác điêu đứng. “Mình có thẳng thắn với mọi người về tình hình khó khăn doanh thu, ai cũng thấu hiểu, mọi người đồng lòng. Nhưng để mọi người đồng tâm như vậy thì văn hóa doanh nghiệp phải vì nhân viên và trung tâm phải định hướng làm vì giáo dục và con người”, anh Tường chia sẻ.
Anh Tường cho biết trong cuộc sống hằng ngày mọi người cùng ăn, đọc sách, chia sẻ cuộc sống rồi cùng rèn luyện thể thao; và dù sếp hay quản lý đều là bạn của nhân viên, không phân biệt cấp vị. Mọi người đối xử với nhau như một gia đình, luôn yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau.
“Đó là lý do vì sao nhân viên không bao giờ bỏ rơi trung tâm cho dù hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa, dù dịch có trở lại hàng ngàn lần, trung tâm vẫn trường tồn, vì bên trong là tình người và mọi người sẽ đồng lòng vượt qua mọi trở ngại”, anh Tường gửi gắm.

Biến thách thức thành cơ hội

Đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ khởi nghiệp, anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng: “Đầu tiên cần xác định dịch bệnh là điều không thể tránh được chứ không phải là “vận xui”. Bình tâm, nhìn thẳng vào những thách thức của dịch bệnh và chuyển nó thành đòn bẩy cho những sáng kiến hoặc cơ hội mới. Khoảng lặng này là cơ hội để nhìn lại toàn bộ mô hình kinh doanh của mình. Đã bao lâu bạn mải chạy theo áp lực doanh số mà quên mất khách hàng mình đang thực sự cần gì? Các quy trình quản trị nội bộ đã ổn chưa? Nhân sự liệu đã ổn? Bộ nhận diện thương hiệu đã rõ nét chưa? Hay chỉ đơn giản là website/fanpage - bộ mặt của công ty đã chỉn chu?...”.
Theo anh Hùng, việc bán hàng không thể dừng lại vì nó là dòng máu để nuôi doanh nghiệp, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều vào nó, mục tiêu giai đoạn này là sống sót. Hãy chuyển kênh bán hàng sang hình thức trực tuyến bằng cách tận dụng tối đa các sàn thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh trực tuyến. Đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng hiện tại để biến họ trở thành những người truyền thông cho sản phẩm. Ra các chính sách tạo lợi ích trực tiếp cho các thành viên quản lý và nhân viên để tất cả đều trở thành nhân viên bán hàng.
“Nhớ rằng dòng tiền là ưu tiên số 1 giai đoạn này, lợi nhuận có thể bằng 0 cũng không sao cả. Và tất nhiên, hãy xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu bạn đang kinh doanh những lĩnh vực trực tiếp phục vụ ngành du lịch, dịch vụ. Chuyển hướng đúng lúc để tìm được những cơ hội mới nảy sinh trong mùa dịch Covid-19”, anh Hùng khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.