Những người đến từ các cộng đồng người Mông khác nhau cho biết quan điểm không giống nhau. Theo ông Mã A Vàng (H.Sa Pa, Lào Cai), nơi ông sinh sống, nhiều người mất được đưa vào quan tài. Trong khi đó, ông Giàng Mí Hờ (H.Mèo Vạc, Hà Giang) lại cho biết cộng đồng của ông phần lớn không muốn đưa người chết vào quan tài mà muốn duy trì tục cũ để người sống an tâm, người sắp mất được vui, trong khi người ngoài nhìn vào thấy con cháu có hiếu.
Theo TS Hoàng Cầm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đám tang không phải làm cho người chết mà là cho người sống. Người ta có thể bớt nghi lễ đám cưới nhưng đám tang thì không. Việc tổ chức đám tang như thế nào có thể xoa dịu nỗi đau mất người thân, vì thế việc “thay đổi” đám ma là quyền của tang gia, yêu cầu của bên ngoài sẽ gây xáo trộn. PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa) lưu ý việc đám tang liên quan nhiều đến niềm tin và nỗi sợ chúng ta sẽ xuống địa ngục hay lên thiên đường. Vì thế, các chính sách và thực hành tang ma cần đảm bảo sự thanh thản cho người sống. Thạc sĩ Nghiêm Hoa, nhà nghiên cứu độc lập về nhân quyền, thì cho rằng luôn cần có đối thoại nhà nước - cộng đồng nếu muốn thay đổi tập quán.
Bình luận (0)