Hai học sinh đó là Lê Quang Vinh và Đào Thanh Văn (học sinh lớp 9A1 Trường THCS Núi Tượng, H.Tân Phú, Đồng Nai).
Từng nhiều lần chứng kiến bố đi làm rẫy bị đứt tay, máu ra rất nhiều nhưng không biết phải làm sao, Vinh nung nấu ý tưởng phải nghiên cứu, sáng tạo ra vật dụng giúp bố nói riêng và những người nông dân làm công việc đồng áng, hay tiếp xúc với những đồ vật có thể gây sát thương chảy máu nói chung. Cậu học sinh này đã rủ Văn, người bạn cùng lớp cùng nghiên cứu.
Cả hai bắt đầu tìm hiểu những kinh nghiệm dân gian, biết được cây cỏ mực thường được mọi người nhai rồi đắp vào vết thương giúp cầm máu. Ngoài ra, hai cậu học sinh cũng để ý thấy phụ nữ hay sử dụng nghệ trộn với mật ong đắp lên những chỗ bị thương tích để làm mờ vết sẹo. Vậy là cả hai bắt đầu xắn tay vào việc tạo ra loại băng dán “thần kỳ”.
Sau những giờ học trên lớp, Vinh và Văn lại lân la khắp các nương rẫy, ruộng đồng để tìm các loại thảo dược, chủ yếu là cỏ mực. Hai nam sinh tiếp tục lên mạng để mày mò nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu về thuốc nam, cũng như tìm đọc những cuốn sách trong lĩnh vực y học dân gian, hóa học, sinh học… để có thêm kiến thức.
“Chúng em mất khoảng một tháng để tìm nguyên liệu và thu thập kiến thức rồi bắt tay vào làm. Rảnh rỗi lúc nào là chúng em lại ngồi với nhau để bàn bạc, đưa ra ý tưởng và cách thức thực hiện hợp lý nhất”, Vinh kể.
Theo đó, Vinh lấy củ nghệ gọt rồi rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn cùng cồn 70 độ. Sau đó vắt lấy nước cốt để thu được tinh chất nghệ.
Tương tự, băm nhuyễn cây cỏ mực và cho ép cùng cồn 70 độ để cho ra tinh chất cây cỏ mực.
“Em trộn tinh chất nghệ và tinh chất cỏ mực cùng với mật ong nguyên chất rồi đem ngâm. Lấy gạc y tế ngâm trong hỗn hợp ấy nhằm hấp thụ hai loại tinh chất kia. Và sau đó, băng dán “thần kỳ” sẽ xuất hiện”, Văn cho biết.
|
Dù hội tụ cả tinh chất nghệ làm mờ da và tinh chất cây cỏ mực giúp cầm máu nhanh, nhưng khi sản phẩm đã ra đời, hai nam sinh vẫn chưa yên tâm. “Chúng em đã mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm trên thỏ. Sau đó thử nghiệm trên người. Và thật vui khi kết quả thành công mỹ mãn”, Vinh kể.
Được biết, với cách thức bảo quản hợp lý, sản phẩm này có hạn sử dụng khoảng 6 - 7 tháng.
Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018 tỉnh Đồng Nai vừa qua, băng dán “thần kỳ” của Lê Quang Vinh và Đào Thanh Văn đã giành giải ba chung cuộc.
Ban giám khảo cuộc thi đã dành nhiều lời khen cho sản phẩm này, đó là có tính sáng tạo, có tính ứng dụng cao. Từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm kiếm nhưng có thể cho ra đời sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.
“Trong thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu và hy vọng sẽ cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa hơn trong cuộc sống, giúp ích mọi người”, Văn nói.
Còn Vinh thì cho biết: “Dù là học sinh nhưng em rất thích nghiên cứu, sáng tạo. Bởi qua đó khám phá được rất nhiều kiến thức hay, bổ ích. Em cho rằng ngoài việc học trên lớp, học sinh cũng nên dành thời gian cho việc nghiên cứu khoa học. Không cần phải tạo ra những sản phẩm vĩ mô mới được gọi là nghiên cứu, mà đôi khi chỉ là cho ra đời những vật dụng bé nhỏ nhưng hữu ích, giúp bản thân, giúp gia đình và hàng xóm. Em tin nếu có sự say mê thì học sinh nào cũng có thể sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích”.
Vinh và Văn cũng tâm sự, vì còn nhỏ nên không thể có kinh phí sản xuất thật nhiều sản phẩm này để tung ra thị trường. “Nếu có cơ hội, chúng em sẽ bán một miếng băng dán này giá tầm 500 - 1.000 đồng. Với những tính năng đã có, hy vọng sẽ được nhiều người mua để bổ sung vào tủ thuốc của gia đình”, Vinh chia sẻ.
Bình luận (0)