Bánh đập tràn ngập nhớ thương

07/01/2021 20:35 GMT+7

Người Quảng Ngãi xa nhà mưu sinh, rảo bước trên hè phố, tâm tưởng lan man thế nào lại nhớ tới bánh đập. Và rồi chính cái bánh đập dân dã khiến họ chạnh nhớ quê hương da diết.

Thời sinh viên ở Sài Gòn, tôi từng lập nhóm “ăn hàng”. Rồi cũng do cái máu... cục bộ, tôi biến nhóm này thành nhóm “bánh đập cuối tuần”, kiểu như bây giờ gọi là “fanpage”. Trong nhóm có một anh chàng gốc phố. Sau lần đầu bén duyên với món bánh đập do người Quảng Ngãi bán trong một con hẻm, anh này dí dỏm: “Tên bánh đập nghe có vẻ... võ biền. Ăn rồi mới thấy nó hiền như lúa”.
Về quê, tôi vẫn “bền vững” với món bánh này. Có ba lý do: Một là... chung thủy. Hai là bánh vẫn “bền bỉ” với cái giá rất bình dân. Ba là lương tôi vẫn “bền lâu” ở cái mức mà phải khéo ăn mới no được. Bạn bè hay trêu “làm sao phá vỡ hệ số lương”; mày “chung thủy” có điều kiện; lương “ít nhôm” vậy sao có thể với tới bữa điểm tâm bốn, năm chục ngàn?
Tôi tìm cách thoát “vòng vây” của lũ bạn, nói bánh đập vừa dễ thương, vừa là niềm tự hào của tao. Mời bạn bè cả chục đứa “đi” bánh đập nhưng tao không hề run lập cập khi tính tiền. Bánh rẻ quá mà, 7.000 đồng một cái. Sang hơn, kêu thêm mỗi đứa ly sữa đậu nành (5.000 đồng/ly) cũng không có gì phải lăn tăn.
Bánh đập được “kiến tạo” theo nguyên lý âm dương. Cái bánh tráng nướng ngửa lên, cái bánh tráng ướt đặt xuống. Thoa một lớp mỏng dầu phộng phi với hành hẹ rồi gấp đôi lại. Nói thì dễ nhưng đặt sao cho hai thứ bánh này trùng khít với nhau thật khó.
Có lần tôi lân la hỏi cô Kim, chủ một quán bánh đập nổi tiếng ở đường Lê Đại Hành (TP.Quảng Ngãi), về bí quyết “se duyên” giữa hai cái bánh. Cô này cười cười: “Em hỏi cắc cớ quá, thì một cái ngửa một cái sấp, gấp nó lại là xong. Khéo tay là nhờ hay làm thôi mà”.
Vì sao đặt cái tên bánh đập? Thật ra không có chuyện “đánh đập” gì ở đây hết. Chẳng qua là vì cái bánh tráng nướng thường cong vênh, cái bánh tráng ướt khó tiếp cận những chỗ trũng nên người ăn hay dùng tay “đập đập” để hai cái bánh tráng kết dính với nhau thêm một lần nữa. Khi đó, miếng bánh bẻ ra mới gọn gàng, ăn mới ngon miệng.
Ban đầu, bánh đập chỉ xuất hiện ở những xã thuần nông và vùng ven biển. Về sau, người quê lên phố kiếm sống, bánh đập đi theo luôn. Người phố ăn lạ miệng nên rất thích. Giờ bánh đập trở thành món quê giữa phố, thu hút khá đông thực khách.
Có câu chuyện kể về văn hóa bánh đập thế này: Một khách quen hay vô quán ăn bánh đập với cái cách khá thô bạo, cứ bẻ miếng lớn rồi gấp làm tư, khi chấm thì “trùm” luôn chén mắm. Vậy là có “thơ” dán lên vách: “Bánh đập mà gập làm tư/Ăn uống kiểu đó là hư tâm hồn”. Hay chớ! Tâm hồn “hư” đâu chưa biết chứ ăn như vậy thấy “tội” cho bánh đập quá.
Với bánh đập, quán nào chọn thứ gạo thơm ngon để đổ bánh thì quán đó đông khách. Cái bánh vừa đổ, mùi thơm đặc trưng của gạo mới đã lan tỏa theo làn khói. Khi phối kết thành bánh đập, bánh nướng hòa quyện với bánh ướt tạo mùi hương rất đậm đà. Một lớp mỏng dầu phộng phi với hành tím và lá hẹ tạo nên vị béo rất nhẹ mà cũng rất vấn vương. Riêng mắm nêm là lựa chọn ưu tiên vì rất phù hợp với loại bánh này. Mắm nêm phải là mắm cá cơm nguyên chất trộn một ít dầu ăn đã phi với hành. Vài thứ gia vị khác như ớt tỏi, chanh đường cũng được pha vào chén mắm một cách tinh tế để đáp ứng khẩu vị của số đông thực khách.
Có đứa bạn phương xa một hôm viết trên “phây”: “Với bánh đập thì gạo là căn bản, dầu thoa là quan trọng, còn mắm nêm là chủ yếu”. Hẳn là bánh đập khiến bạn tràn ngập nhớ thương nên mới có cái kết rộn ràng lúc nửa đêm như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.