Bánh gật gù vừa ăn vừa gật của Tiên Yên

12/09/2014 10:23 GMT+7

Cái tên "bánh gật gù" thật có một sức tượng hình đáng kinh ngạc. Đặc sản của huyện Tiên Yên, Quảng Ninh có cả một bí mật trong thứ nước sốt màu vàng nâu sóng sánh.

Cái tên "bánh gật gù" thật có một sức tượng hình đáng kinh ngạc. Đặc sản của huyện Tiên Yên, Quảng Ninh có cả một bí mật trong thứ nước sốt màu vàng nâu sóng sánh.
>> Trứ danh chả mực xôi trắng Quảng Ninh
>> Hàu nướng trứng - mặt trăng trên bàn tiệc

Ông Chiêm Thành Long, một chuyên gia ẩm thực, hỏi những người xung quanh xem ai biết về nguyên do thứ bánh này được gọi tên là "bánh gật gù". Ngay cả một số người sinh ra ở Quảng Ninh cũng không cho ra đáp án khiến ông vừa lòng. Thì ra, cái "gật gù" ở đây vừa là độ mềm dẻo của cái bánh “gật gù” lúc người ta cầm lên, mà cũng chính là sự gật đầu khen ngon của người tìm được món ăn ngon mà lạ.

Thú vị bánh gật gù Tiên Yên 2
Bánh gật gù được tráng bằng gạo ngon thành từng tấm mỏng rồi cuộn tròn lại - Ảnh: Thúy Hằng 

Bánh gật gù được làm bằng gạo tẻ ngon, tráng mỏng như bánh phở (người Quảng Ninh còn gọi bánh gật gù Tiên Yên là "bánh phở miền Đông"), rồi cuộn tròn lại thành những cuộn bánh nhỏ, nhìn đã mát rượi mắt.

Bánh gật gù ăn đúng kiểu là phải ăn kèm thịt gà Tiên Yên, những chú gà ban ngày được thả rong trên thênh thang vườn tược ở vùng núi Tiên Yên, ban đêm về bay lên những cành cây để ngủ nên thịt ở toàn thân con gà rất săn chắc.

Phần ngon nhất trên con gà Tiên Yên không phải là đùi gà, chân gà, cánh gà mà là “thìa gà”, là phần thịt gà ở phía dưới phao câu con gà. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cảm nhận của từng người về món ăn. Với một người không quá cầu kỳ sẽ thấy gà Tiên Yên phần nào cũng săn chắc, ngọt lừ.

Gà Tiên Yên luộc lên vàng ươm, phần da bóng loáng như thoa nghệ. Người ta tách lấy phần mỡ gà dưới lớp da gà, đem chưng lên cùng với hành củ phi thơm và nước mắm ngon thành một thứ nước sốt sóng sánh màu vàng nâu như mật ong.

Nước sốt chấm bánh gật gù cũng theo từng khẩu vị của mỗi gia đình mà biến tấu thành những kiểu khác nhau. Tôi từng ăn ở Tiên Yên một kiểu nước sốt làm từ thịt băm, mỡ, hành, cà chua, rau thơm chưng lên.

Bánh gật gù phải cầm tay để ăn, cầm đũa mà gắp bánh gật gù thì rõ là người không biết ăn. Chiếc bánh còn mềm mại, ấm nóng trên tay, chấm một miếng bánh vào thứ nước sốt thơm, cắn thêm một miếng thịt gà, thấy cái dẻo, ngọt của bánh gạo tan trong vị mặn, ngọt, thơm, béo ngậy của thịt gà và nước sốt đậm đà.

Ăn lúc bánh còn nóng trong một ngày mùa đông là thú vị nhất. Bánh gật gù ăn chỉ thấy no chứ không thấy chán là vì thế. Đến Tiên Yên bây giờ lúc nào cũng mua được bánh gật gù để thưởng thức, không cứ lễ, tết hội hè.

Từ TP Hạ Long ra TP Móng Cái, dừng lại giữa thị trấn Tiên Yên, chớ có quên gọi bánh gật gù để ăn thử. Nếu không, e là một ngày bạn lại phải lắc đầu vì tiếc nuối.

Thú vị bánh gật gù Tiên Yên 1
Người Quảng Ninh còn gọi bánh gật gù là bánh phở miền Đông - Ảnh: Thúy Hằng

Thú vị bánh gật gù Tiên Yên 3
Bánh gật gù ăn kèm thịt gà Tiên Yên và nước sốt được chế biến
trong một nhà hàng sang trọng ở Hạ Long – Ảnh: Thúy Hằng

Thú vị bánh gật gù Tiên Yên 3
Nêm nếm một chiếc bánh gật gù nhỏ xíu và phần thịt gà này vẫn chưa thấy “đã” - Ảnh: Thúy Hằng

Thúy Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.