Hoàn Cầu thời báo tối 21.6 đưa tin Trung Quốc sắp công bố báo cáo năm 2020 về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có nội dung cảnh báo về nguy cơ đối đầu trước các hoạt động của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Washington khẳng định là nhằm duy trì khu vực tự do và rộng mở.
Dự kiến sẽ được Viện Quốc gia về Nghiên cứu biển Hoa Nam công bố ngày 23.6, báo cáo đề cập đến các hoạt động của Mỹ tại khu vực trong thời gian qua, nhất là từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017.
Đáng chú ý, báo cáo cảnh báo về nguy cơ đối đầu và các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên xấu đi.
Song song đó, báo cáo khẳng định Trung Quốc tích cực duy trì mối quan hệ quân sự với Mỹ theo các nguyên tắc không mâu thuẫn, không đối đầu, tôn trọng nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Do đó, hai bên cần kiểm soát những bất đồng và đề phòng mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, báo cáo kêu gọi 2 nước nên duy trì các kênh liên lạc, áp dụng các thỏa thuận về xây dựng lòng tin về quân sự và ngăn ngừa khủng hoảng, tạo điều kiện thông tin và đối thoại về an ninh hạt nhân, không gian mạng, không gian và trí tuệ nhân tạo.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền vô căn cứ ở Biển Đông, theo Reuters.
Theo trung tướng Kevin Schneider chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, Trung Quốc gia tăng các hoạt động của tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân binh nhằm quấy rối các tàu nước khác ở Biển Đông, nơi nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Mới đây, quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật cho phép lực lượng hải cảnh tập trận, tham chiến chung với quân đội, dẫn đến lo ngại về việc các tàu hải cảnh sẽ gia tăng các hành vi ngang ngược ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo Nikkei Asian Review.
Chưa hết, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 18.4 ngang nhiên đưa tin theo phê chuẩn của chính phủ Trung Quốc, cái gọi là thành phố Tam Sa đã lập hai quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong bối cảnh này, Mỹ điều 3 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến biển Philippines, đồng thời khẳng định quan điểm duy trì các vùng biển, vùng trời chung được tự do và rộng mở.
Liên quan diễn biến trong khu vực, trang Business World ngày 21.6 đưa tin Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Philippines đang muốn khôi phục lại hoạt động thăm dò ở vùng biển phía tây nước này vì các quy định phòng chống Covid-19 được nới lỏng, đồng thời cũng vì nhu cầu khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp.
Bình luận (0)