Báo cáo giả, ô nhiễm thật

18/01/2021 04:44 GMT+7

Công ty hoạt động chui nhưng “sản xuất” ra hàng trăm báo cáo quan trắc, phân tích, thử nghiệm về môi trường với nội dung sai sự thật cung cấp cho các doanh nghiệp trong hơn 6 năm trời. Đây chính là một “nguồn” ô nhiễm vô cùng nguy hại không chỉ cho môi trường sống mà cả môi trường kinh doanh nói chung.

Đó là vụ Công an tỉnh Ninh Bình vừa phá  đường dây làm giả báo cáo môi trường, bắt giữ một viên chức thuộc Bộ TN- MT và nhiều nghi phạm khác. Đáng nói, công ty này đã hoạt động nhiều năm qua, đã “sản xuất” tới 110 báo cáo. Từ 110 báo cáo này, các nghi phạm làm thành 48 báo cáo giám sát môi trường cung cấp cho 7 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ về dự án theo quy định. Hãy hình dung để thấy nguồn phát thải này vô cùng nguy hại như sau. Công ty này không có tài sản, nhân lực, phòng thí nghiệm, không được Bộ TN-MT cấp phép..., nghĩa là hoàn toàn không có năng lực chuyên môn. Thế nên những báo cáo họ làm ra đương nhiên không có chất lượng và các DN thuê họ làm báo cáo để “hoàn chỉnh hồ sơ” hoàn toàn có khả năng đã và đang phát thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Vậy tại sao cả công ty làm báo cáo chui lẫn các công ty sử dụng báo cáo giả vẫn ung dung hoạt động suốt bao năm qua?
Xung quanh vụ này, có rất nhiều câu hỏi đặt ra và cần phải được làm rõ. Thứ nhất, chính quyền địa phương ở đâu để công ty này hoạt động chui suốt một thời gian dài như vậy? Thứ hai, các DN sử dụng báo cáo của công ty này có biết rõ nội tình hay có sự bắt tay thông đồng để qua mắt cơ quan chức năng? Sử dụng báo cáo môi trường giả, vậy khi cơ quan có thẩm quyền đi kiểm tra môi trường ở các DN này cho kết quả thế nào? Hoạt động hậu kiểm, giám sát định kỳ, thường kỳ, bất thường trên địa bàn có được thực hiện đầy đủ hay không?
Chúng ta đều biết, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, suốt nhiều năm qua chúng ta phải tìm mọi cách để giảm thiểu. Một trong những chủ trương lớn nhất của Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Từ chủ trương này, rất nhiều dự án lớn đã bị từ chối dù thu hút đầu tư luôn là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Những dự án thuộc danh mục có Báo cáo đánh giá tác động môi trường buộc phải trải qua quy trình hết sức chặt chẽ, phải tham vấn từ các nhà khoa học, giới chuyên môn, tham vấn cộng đồng... kèm theo rất nhiều đánh giá dựa trên kết quả quan trắc thực tế, có cơ sở khoa học đặt trong mối tương quan kinh tế, xã hội... mới được phê duyệt. Thế nhưng những nỗ lực này sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn nếu để “lọt” các công ty “cầm cân nảy mực” về môi trường hoạt động chui. Bởi chỉ cần một công ty môi trường “chui” sẽ tiếp tay cho hàng loạt công ty xả thải chui, phát thải chui sau đó. Vì vậy, không chỉ là chế tài nghiêm minh công ty đã bị phát hiện mà phải thanh tra, kiểm tra làm rõ những ai, những DN nào, cơ quan nào tiếp tay cho các hoạt động chui này.
Từ vụ việc của Ninh Bình, cần phải mở rộng thanh, kiểm tra trên cả nước để phát hiện và xử lý tận gốc tình trạng này. Nếu không, các báo cáo giả sẽ trở thành nguồn ô nhiễm, nhấn chìm môi trường sống, môi trường  kinh doanh của chính chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.