Công bằng thuế

15/01/2021 04:22 GMT+7

Thuế của các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube và bây giờ thêm các YouTuber vẫn luôn là lãnh địa mà cơ quan thuế chưa thể kiểm soát nổi, dù đã đặt ra nhiều năm nay.

Đại dịch ập đến, hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn, thua lỗ, doanh thu giảm, lợi nhuận teo tóp...; thế nhưng chính sách giảm thuế cũng phải cân nhắc rất kỹ bởi nỗi lo hụt nguồn thu ngân sách. Trong bối cảnh này, giải pháp tốt nhất là chống thất thu, mà thất thu rõ ràng nhất và cũng tiềm năng nhất chính là từ các hoạt động kinh doanh xuyên lục địa, các chiêu trò chuyển giá, hàng gian, hàng lậu... Thế nhưng mỗi lần hỏi đến số thu thuế từ các ông lớn mạng xã hội thì nhà thuế đều rất khó trả lời mà chỉ đưa ra các con số chung chung, hay những trường hợp phát hiện. Đáng nói là có rất nhiều kênh YouTube nổi tiếng, nhiều tài khoản YouTube cá nhân (YouTuber) có lượt view, lượt share được thống kê rõ ràng, doanh thu bao nhiêu cũng được dự tính công khai..., nhưng cũng rất khó để biết những kênh đó, cá nhân đó đóng thuế bao nhiêu. Nhà thuế có vị nói không nắm, có vị bảo thông tin đối tượng nộp thuế không thể cung cấp... Trong khi từ rất nhiều năm trước, cũng chính nhà thuế từng nhiều lần công khai các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đóng thuế thu nhập cá nhân. Chưa kể thỉnh thoảng, đơn vị này nếu “túm” được cá nhân bán hàng qua mạng nào doanh thu khủng, cũng nêu lên như một thành tích về truy thu thuế... Vậy thì thông tin đối tượng nộp thuế, có thực sự không thể cung cấp?
Thất thu ở đối tượng này, đối tượng khác không chỉ khiến ngân sách mất đi một khoản mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp (DN). Cứ nhìn đơn giản, 2 DN cùng hoạt động, 1 DN trong nước nhỏ về quy mô, yếu về thương hiệu, năng lực tài chính cũng hạn hẹp hơn nhưng phải đóng thuế đầy đủ; còn DN ngoại thì doanh thu đồng nào đút túi đồng đó, có tiền rồi thì đầu tư thêm cho dịch vụ, mở rộng thị phần, hậu mãi lớn nhiều... thì làm sao DN trong nước cạnh tranh nổi? Đó là lý do các ông lớn Google, Facebook, YouTube... gần như độc chiếm thị phần tại Việt Nam. Chưa kể thu ngân sách thì năm nào cũng tăng, nên hụt chỗ này thì phải đẩy mạnh chỗ kia...; hóa ra chỗ nào thu khó, chỗ nào trốn được, né được... lại có lợi. Điều này sẽ tạo tâm lý không tốt cho thị trường bởi vấn đề quan trọng nhất của chính sách thuế chính là sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Chúng ta vẫn công khai danh sách DN chây ì thuế mỗi quý, mỗi tháng. Vậy nhà thuế cũng nên công khai danh sách nộp thuế của các cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội đóng thuế như thế nào, xem liệu có đúng với doanh thu họ thực nhận hay không. Việc này thiết nghĩ cũng không quá khó khi chính Google cũng công bố Top 10 nhà sáng tạo YouTube nổi bật nhất năm 2020 của Việt Nam. Trang Social Blade chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Twitch, Instagram... cũng đưa thông tin đầy đủ, công thức trả tiền từ các ông lớn mạng xã hội cũng công khai...
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nếu không kiểm soát được thuế của các DN hoạt động dựa trên các nền tảng công nghệ thì thất thu sẽ ngày càng lớn và nghĩa vụ thuế sẽ ngày càng thiếu công bằng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.