OECD vừa công bố báo cáo PISA (kết quả đánh giá học sinh quốc tế) có liên quan đến dịch Covid-19 vào ngày 29.9 từ Paris (Pháp). Báo cáo tổng hợp thông tin từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu nói về nguồn lực công nghệ dành cho việc học trực tuyến.
Chênh lệch ngay trong từng quốc gia
Theo OECD, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc đóng cửa trường học trên toàn thế giới và buộc giáo viên và học sinh ở nhiều quốc gia phải thích nghi nhanh chóng với việc dạy và học trực tuyến. Nhưng báo cáo PISA mới đây của OECD cho thấy sự chênh lệch lớn không chỉ giữa các quốc gia mà cả ngay trong từng nước về công nghệ và năng lực của giáo viên để sử dụng công nghệ hiệu quả.
Cụ thể, các phân tích từ bài kiểm tra PISA 2018 của OECD gần đây nhất, liên quan đến khoảng 600.000 học sinh 15 tuổi ở 79 quốc gia và nền kinh tế cho thấy một số kết quả chênh lệch.
Tính trung bình ở các nước tham gia OECD trong năm 2018, hầu như học sinh 15 tuổi đều có một máy tính ở trường cho mục đích giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, theo các hiệu trưởng, máy tính không đủ mạnh cho việc tính toán. Điều này ảnh hưởng đến 1/3 học sinh trên toàn cầu.
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc OECD về giáo dục và kỹ năng, cho rằng cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ nhiều bất cập và bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Như ở Brazil, 68% học sinh ở các trường thuận lợi, có quyền truy cập vào các thiết bị kỹ thuật số đủ mạnh. Nhưng ở các trường khó khăn, tỷ lệ này chỉ đạt 10%. Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 70%- 30%.
|
Học sinh không có nơi yên tĩnh để học
Trung bình ở các nước OECD, 9% học sinh 15 tuổi không có một nơi yên tĩnh trong nhà để học. Ngay cả ở quốc gia có thành tích hàng đầu PISA là Hàn Quốc, 1/5 học sinh từ 25% trường khó khăn nhất cho biết họ không có chỗ học ở nhà, so với 1/10 học sinh ở các trường thuận lợi.
Nhìn chung, kết quả PISA 2018 cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa các trường thuận lợi và khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu nhân viên giáo dục và nguồn lực vật chất, bao gồm cả nguồn lực kỹ thuật số.
|
Tại Việt Nam, theo số liệu của báo cáo PISA 2018, đợt dịch Covid-19 có nhiều điểm khả quan so với các nước khác. Có 79,7% học sinh học trong các trường có tốc độ internet đủ mạnh. Có 43,4% học sinh học trong các trường có sẵn nền tảng hỗ trợ học tập trực tuyến hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có 23,8% học sinh học trong các trường thiếu giáo viên. Tương tự, có 30,9% học sinh học trong các trường thiếu nhân viên hỗ trợ.
Bình luận (0)