Thế giới dành hơn 4.000 tỉ giờ sử dụng mạng xã hội
Tham luận từ nhà báo Trần Việt Hưng (Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên điện tử) và Đặng Sinh (biên tập viên Báo Thanh Niên) nêu số liệu thống kê cho thấy trong năm 2022, thế giới sẽ dành ra 12.500 tỉ giờ để sử dụng internet, trong đó hơn 4.000 tỉ giờ sử dụng mạng xã hội. Do đó, chắc chắn rằng mạng xã hội vẫn đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống hằng ngày.
Nhà báo ở đâu trong xu thế báo chí đa nền tảng? |
Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội. Ước tính, thời gian sử dụng mạng xã hội của mỗi người Việt Nam vào khoảng 2 giờ 34 phút mỗi ngày (chiếm 36,4% tổng thời gian trung bình sử dụng internet). Như vậy, mỗi người Việt Nam mỗi tháng trung bình dành 77 giờ để sử dụng mạng xã hội, và mỗi năm trung bình là hơn 936 giờ (tương đương 39 ngày).
Nhà báo Đặng Sinh (biên tập viên Báo Thanh Niên) trình bày tham luận tại hội thảo |
nguyễn anh |
Đi cùng với đó là những thay đổi trong thói quen tiếp cận tin tức. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí đã bị các mạng xã hội chia sẻ thị phần nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các cơ quan báo chí, đặc biệt là những nguồn thu từ quảng cáo. Những thúc bách từ yêu cầu của kinh tế báo chí khiến các tờ báo phải tìm cách đổi mới để tiếp cận công chúng trên các nền tảng mới để đa dạng hóa doanh thu. Một trong những xu thế được nhiều tờ báo chọn lựa hiện nay là hợp tác với các mạng xã hội để phân phối thông tin.
Nhà báo Đỗ Thiện (Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng Báo Pháp luật TP.HCM) nhận định rằng báo chí đa nền tảng hiện tại đã là xu thế không thể đảo ngược. Đến năm 2020, Báo Pháp luật TP.HCM mới bắt đầu thực hiện đa nền tảng nằm trong chiến lược chuyển đổi số. Nhà báo Đỗ Thiện cho rằng: “Các cơ quan báo chí bảo thủ nhất, chậm chạp nhất cũng đã phải vào cuộc chơi phát triển sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội”.
“Không có mạng xã hội có lẽ không trụ qua nổi mùa dịch”
Nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan (Phó trưởng ban Ca nhạc – Đài truyền hình TP.HCM) cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, công tác sản xuất chương trình (nhất là mảng thể thao và giải trí) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này nhu cầu xem truyền hình của khán giả lại có xu hướng tăng lên do phần lớn thời gian khán giả ở nhà. Trước tình hình đó, một số đài truyền hình đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội để sản xuất các chương trình quy mô nhỏ, huy động khán giả cùng sản xuất nội dung, vừa có chương trình để phát sóng, vừa tạo được hiệu ứng xã hội tích cực.
Cụ thể thì các đài truyền hình đã tận dụng các công cụ có sẵn như Google Meet, Microsoft Teams, Zoom, Skype, Facebook Messenger, Zalo... để kết nối với khách mời, phỏng vấn ghi hình online. Theo nhà báo Hoàng Lan, nếu không có mạng xã hội, một số đài truyền hình có lẽ không thể trụ nổi qua mùa dịch. Yếu tố lợi nhuận không còn quá quan trọng mà là uy tín đảm bảo lời hứa với khán giả không để “gãy sóng”.
Nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan (Phó trưởng ban Ca nhạc – Đài truyền hình TP.HCM) trình bày về việc tận dụng các công cụ có sẵn như Google Meet, Microsoft Teams, Zoom, Skype, Facebook Messenger, Zalo... để kết nối với khách mời, phỏng vấn ghi hình online trong thời điểm dịch Covid.19. |
Nguyễn Anh |
Hội thảo cũng được đóng góp tham luận từ Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) đơn vị có hệ thống mạng xã hội lớn nhất trong hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay với hơn 21 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng (Facebook VTV24 và VTV24 Money, YouTube VTV24 và VTVgo, TikTok VTV24, Zalo VTV24, Twitter VTVDigital...). Với quan điểm "khán giả ở đâu, VTV Digital ở đó", tham luận của nhà báo Nguyễn Lệ Quyên cho thấy mô hình quản trị mạng xã hội của Đài truyền hình Việt Nam rất mới mẻ và khiến báo chí xích lại gần hơn với công chúng khi đơn vị này thường xuyên tương tác với công chúng bằng cách trả lời bình luận để tăng tính gần gũi.
"Chưa trường đại học nào dạy làm mạng xã hội"
Tham luận của Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông thuộc Khoa BC&TT, lại nêu ra 2 câu hỏi lớn. Đầu tiên là việc lao động của nhà báo sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh báo chí tham gia truyền thông xã hội; liệu những giá trị đã định khung của nhà báo có bị mất đi hay không? Câu hỏi thứ hai là việc chất lượng tin tức liệu sẽ đối mặt với những nguy cơ gì khi truyền thông trên mạng xã hội luôn thúc bách nhà báo phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất có thể.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, ông nghĩ rằng việc báo chí tham gia vào các nền tảng mạng xã hội đặt ra những yêu cầu mới cho nhà báo. Những yêu cầu này có thể đẩy không ít nhà báo vào tình trạng kiệt quệ về mặt cảm xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách và chất lượng lao động nghề nghiệp của họ.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông thuộc Khoa BC&TT đặt ra các vấn đề về làm báo trên nền tảng truyền thông xã hội. |
Nguyễn ANh |
Trong khi đó, nhà báo Đặng Sinh cũng chia sẻ về quá trình đi từ hình thành ý tưởng, xây dựng mô hình cho đến việc vận hành mạng lưới đa kênh đa nền tảng mạng xã hội của Báo Thanh Niên không hề bằng phẳng và cũng từng gặp không ít trắc trở, đôi khi có thất bại. Đội ngũ thực hiện đa nền tảng của báo những năm qua hầu như "ném đá dò đường" bởi không có nhiều mô hình để tham khảo. Kể cả khi có mô hình tham khảo thì việc phục vụ công chúng trên những nền tảng khác nhau cũng đòi hỏi sự thay đổi và sáng tạo liên tục nhằm tạo ra những nội dung thân thiện.
Đối với vấn đề đào tạo báo chí, nhà báo Đỗ Thiện cho rằng: “Đa nền tảng không thể tách rời với chiến lược chuyển đổi số, tuy nhiên thứ quan trọng nhất trong chuyển đổi số không phải là con người mà là tư duy. Vấn đề là hiện nay ở Việt Nam chưa có trường đại học nào đào tạo nội dung về mạng xã hội". Theo nhà báo Đỗ Thiện khi tham gia đa nền tảng thì mỗi nhà báo, tờ báo phải thay đổi tư duy từ việc tạo ra các sản phẩm "báo chí một chiều" sang thành "sản phẩm báo chí đa chiều, có tính hệ thống và toàn diện".
Nhà báo Đỗ Thiện cũng cho rằng điều các nhà báo trẻ còn đang thiếu là tư duy dám đột phá, sáng tạo với sản phẩm báo chí trên môi trường các mạng xã hội. "Trường học có thể dạy cho sinh viên rất nhiều thứ; nhưng thứ không dạy được sinh viên đó là sáng tạo", anh bày tỏ.
Nhà báo Đỗ Thiện (Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng Báo Pháp luật TP.HCM) nhận định rằng báo chí đa nền tảng hiện tại đã là xu thế không thể đảo ngược. |
nguyễn anh |
Bên cạnh đó, các tham luận của các diễn giả khi tham gia hội thảo cũng bày tỏ sự khó khăn trong công tác quản trị các trang mạng xã hội của các tờ báo. Nổi bật là nhiệm vụ ngăn chặn các bình luận xấu, độc. Hiện nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đang lựa chọn cách chặn bình luận hoặc phê duyệt bình luận trước khi đăng tải. Một rủi ro khác là nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí đang rất phổ biến và nhức nhối gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thông tin thì còn đe dọa và làm giảm nguồn thu của cơ quan báo chí.
Podcast là thực tế, không còn là xu hướng
Tham luận của nhà báo Huỳnh Sang (Giám đốc Công ty CP Truyền thông SC/SC Media) nhận định rằng, loại hình podcast (dạng phát thanh internet chủ động) 20 năm qua đã trở thành "món ăn" quen thuộc của thính giả ở nhiều nước Mỹ - Âu - Á. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tại nhiều người vẫn cho rằng podcast là "món mới". Theo nhà báo Huỳnh Sang, loại hình này không mất quá nhiều chi phí đầu tư nhưng lại rất có tiềm năng tuy nhiên chỉ mới có một vài cơ quan báo chí (VOV, Dân Trí, Zing News, Tuổi Trẻ...) áp dụng vào sản xuất nội dung.
Dẫn số liệu từ Insider Intelligence dự đoán rằng đến năm 2022, người nghe podcast sẽ chiếm khoảng hơn 424 triệu người nghe trên toàn thế giới, nhà báo Huỳnh Sang khẳng định rằng podcast không còn là xu hướng mà là thực tế phát triển tất yếu.
Hệ thống mạng xã hội của Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên hiện có hệ thống các kênh, trang trên hầu hết mạng xã hội lớn tại Việt Nam (Facebook, YouTube, TikTok, Zalo...) với tổng cộng 15 triệu lượt theo dõi.
Báo Thanh Niên đã đăng tải tổng cộng hơn 45.800 video lên mạng xã hội YouTube và nhận về hơn 4,74 tỉ lượt xem trên 4 kênh (Báo Thanh Niên, iHay TV, Ngon TV, Thể thao 360). Trên mạng xã hội TikTok, Báo Thanh Niên đã đăng tổng cộng hơn 5.300 video lên 3 kênh (Báo Thanh Niên, iHay TV, Ngon TV) và thu về hơn 2,03 tỉ lượt xem. Mỗi năm, các kênh YouTube và TikTok Báo Thanh Niên thu hút tổng cộng gần 2,5 tỉ lượt xem.
Fanpage Facebook của Báo Thanh Niên cũng trở thành công cụ phân phối sản phẩm báo chí cho Thanh Niên điện tử và tính đến tháng 6.2022 đã đạt 2,15 triệu lượt theo dõi.
Trang Zalo Báo Thanh Niên hiện đã đạt 3,5 triệu lượt theo dõi. Bên cạnh đó, Báo Thanh Niên cũng tham gia Lotus (một mạng xã hội bản địa của Việt Nam) và đã đạt hơn 35.000 lượt yêu thích.
Bình luận (0)