Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của báo chí

Thu Hằng
Thu Hằng
21/06/2022 06:00 GMT+7

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý...

Trong bối cảnh phát triển vượt bậc của công nghệ và tác động của đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của con người, chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan báo chí Việt Nam, nếu không thay đổi, báo chí khó lòng giữ được độc giả.

Độc giả trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh trên Thanh Niên Online

Đào ngọc thạch

Lấy độc giả làm trung tâm

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới KT - XH trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững, nhiều tờ báo đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng CĐS, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.

Hiện một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong CĐS với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng như cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí… Tuy nhiên, CĐS báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.

Theo TS Vũ Tuấn Anh, Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao), với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và tác động của đại dịch Covid-19, việc các cơ quan báo chí đẩy mạnh quá trình CĐS chính là để đáp ứng nhu cầu tin tức ngày càng gia tăng của độc giả. Lấy dẫn chứng từ Báo Thanh Niên, xuất thân từ tờ báo in và sau đó mới làm điện tử, TS Vũ Tuấn Anh đánh giá Thanh Niên là một trong những tờ báo in chuyển đổi số khá sớm từ năm 2015 cả về quy trình làm việc và kênh đăng tải.

Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập VTC News, cho biết hiện nay, rất nhiều tòa soạn ở Việt Nam đã áp dụng CĐS để hỗ trợ phóng viên, biên tập viên trong công việc của mình, bên cạnh đó, tạo ra trải nghiệm tốt hơn, gần gũi và đa dạng hơn cho độc giả ở khía cạnh tiếp cận thông tin, nâng cao tri thức, giáo dục, giải trí - những chức năng trụ cột của báo chí. Ông Hải khẳng định: “Trong thời đại hiện nay, dòng chảy thông tin sẽ chảy mãi. Chậm thay đổi có nghĩa là chết. Chậm CĐS đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi cuộc đua cung cấp thông tin, thu hút độc giả”. Theo ông, CĐS là một chặng đường dài mà các cơ quan báo chí phải đi từng bước. Các tờ báo đã, đang và sẽ tiếp tục tối ưu, phát triển để bắt kịp và sáng tạo ứng dụng những công nghệ báo điện tử mới nhất, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phụng sự độc giả.

CĐS = công nghệ + vốn đầu tư + con người

Khẳng định CĐS là con đường đi của cả nước và báo chí Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hóa, CĐS. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là CĐS và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường CĐS”. Theo ông Minh, CĐS không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. CĐS không chỉ đơn giản số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hóa trong tòa soạn phù hợp với môi trường CĐS; đồng thời phải đào tạo lực lượng cán bộ nhân viên am hiểu sử dụng thành thạo công nghệ vì nếu mua về không sử dụng thì không giá trị.

Ảnh

Ngọc Thắng

“Mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện CĐS theo năng lực của mình. Hiện các cơ quan báo chí có thể hợp tác với nhau để giảm chi phí, thu hút được lượng lớn bạn đọc”.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

Ảnh

CTV

“Khi dịch bệnh bùng phát căng thẳng tại TP.HCM, Báo Thanh Niên đã phải ngừng ấn phẩm báo in trong 10 ngày, tòa soạn buộc phải hoàn thiện tiến trình CĐS gấp hơn dự kiến - chỉ trong một tuần. Bên cạnh đó, tòa soạn đã có đẩy mạnh những dự án nội dung trên mạng xã hội và tư vấn cho khách hàng việc đăng ký quảng cáo trên các nền tảng này. Tất cả sự chuyển đổi này đều hướng đến phụng sự độc giả”.

TS Vũ Tuấn Anh, Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao)

Ảnh

CTV

“Nếu báo chí không mạnh mẽ tiếp cận công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì các loại hình truyền thông khác trên internet, truyền thông mạng xã hội, sẽ có thể lấn lướt, thậm chí là đè bẹp báo chí”.

PGS-TS Trương Thị Kiên, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TS Bùi Trường Giang (Hội đồng lý luận T.Ư) cũng cho rằng, nếu chỉ dừng ở việc đầu tư vào công nghệ để số hóa các chức năng và quá trình hiện tại trong hoạt động báo chí, truyền thông thì không đủ để chuyển đổi thực sự. “CĐS là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động báo chí, truyền thông, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới trong hoạt động kinh doanh báo chí, truyền thông”, ông Giang nói.

Trong khi báo chí thế giới đã tiến những bước dài trong CĐS, thì tại Việt Nam, theo PGS-TS Trương Thị Kiên, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đến thời điểm này, ngay cả một số cơ quan báo chí lớn cũng vẫn đang loay hoay với câu chuyện CĐS như thế nào, kinh phí ở đâu, công nghệ gì, và đặc biệt là bài toán về nguồn nhân lực với tư duy CĐS và sự sáng tạo, để nhà báo có thể tự do điều khiển công nghệ, làm cho công nghệ thực sự là phương tiện phục vụ sự thay đổi. Bà Kiên phân tích: “Để CĐS thành công, các cơ quan báo chí phải hội đủ 3 điều kiện cơ bản: công nghệ, vốn đầu tư và con người. CĐS là một cuộc cách mạng, mà muốn làm cách mạng thành công, phải có tri thức, có chiến lược, có công nghệ, có nhân lực…”.

PGS-TS Trương Thị Kiên cho rằng câu chuyện về đào tạo nhân lực cho CĐS trong báo chí phải được coi là trọng tâm và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc phân chia đào tạo chuyên ngành sâu theo loại hình báo chí: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử đã khá lạc hậu. “Giờ đây, chỉ có một chuyên ngành duy nhất, là chuyên ngành báo chí hội tụ. Gọi như vậy để bao gồm cả báo chí đa phương tiện, báo chí đa nền tảng và các dạng thức báo chí mới trên môi trường mạng. Đồng nghĩa, đào tạo báo chí phải dịch chuyển sang kỹ năng nhà báo đa phương tiện. Không chỉ đơn thuần là đào tạo đặc thù loại hình, hay hệ thống thể loại báo chí, mà giờ đây, cần tập trung đào tạo về thích ứng công nghệ và nội dung sáng tạo trên môi trường truyền thông số”, bà Kiên đề nghị.

Kim Qui, Ngọc Dương, ngọc thắng, Dạ Thảo - Đồ họa: phúc hải

Cần thiết ban hành Chiến lược CĐS báo chí

Từ thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông trong thời gian qua, để giải quyết bài toán CĐS trong báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT-TT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong quá trình xây dựng, Bộ đã xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành. “Trong tháng 5.2022, Bộ cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Bộ TT-TT đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”, ông Lâm thông tin.

Mục tiêu của chiến lược là báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, ông Lâm cho rằng báo chí phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. “CĐS sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Từ đó, phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí”, ông Lâm nói và cho biết bước đầu Bộ TT-TT sẽ chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.

Sau khi chiến lược được phê duyệt, Bộ TT-TT sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng CĐS lớn dùng chung, đặc biệt là đầu tư nền tảng lớn cho 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, Bộ TT-TT định hướng để các đơn vị này kết nối vào các nền tảng lớn nói trên song song với xây dựng các nền tảng cho các cơ quan báo chí vừa và nhỏ để các đơn vị chủ động triển khai, kết nối.

Phải coi công nghệ là nền tảng trọng yếu

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam có thể giúp cơ quan báo chí giải quyết được 2 yếu tố trọng yếu trong CĐS là nền tảng công nghệ và nguồn lực. Chẳng hạn như, VCCorp có các chuyên gia CĐS giúp tư vấn, xây dựng nền tảng công nghệ toàn diện từ tòa soạn hội tụ, hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất nội dung, nền tảng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, nền tảng phân tích và trích xuất dữ liệu, bộ các giải pháp hỗ trợ điều hành (chấm nhuận bút, kiểm soát nội dung nhạy cảm, hệ thống bảo vệ bản quyền..), giải pháp công nghệ phục vụ khai thác kinh doanh tối ưu, giải pháp bảo đảm an toàn bảo mật... Trừ các thiết bị phần cứng như máy chủ vật lý, thiết bị mạng... thì hầu hết các giải pháp số về phần mềm, quy trình xử lý nghiệp vụ, kinh nghiệm triển khai, DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt được và thậm chí tốt hơn các giải pháp nước ngoài, kể cả việc sử dụng AI hỗ trợ tạo ra các nội dung phù hợp với độc giả, hay năng lực chuyển đổi lên nền tảng Cloud, giúp tối ưu chi phí thiết bị và đặc biệt là tối ưu được chi phí nhân sự vận hành IT.

Tuy nhiên, hiện nay đa số DN công nghệ mới chủ yếu cung cấp cho cơ quan báo chí các giải pháp công nghệ hạ tầng như cung cấp máy chủ, đường truyền, một số chỉ dừng ở cung cấp giải pháp CMS (hệ quản trị và xuất bản nội dung)… chứ chưa cung cấp đầy đủ và đa dạng các giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát huy được năng lực cốt lõi, đó là sáng tạo và sản xuất nội dung.

Để nâng cao năng lực công nghệ của cả hệ thống cơ quan báo chí Việt Nam thì động lực phải đến từ cả hai phía. Thứ nhất, mỗi cơ quan báo chí phải có chiến lược CĐS cụ thể dựa trên tình hình nội tại của tờ báo, sau đó lựa chọn đối tác công nghệ phù hợp. Cơ quan báo chí phải coi công nghệ là nền tảng trọng yếu, sản xuất nội dung phải gắn liền với công nghệ. Thứ hai, các DN công nghệ cần chủ động chuyển đổi các sản phẩm công nghệ phức tạp thành các dịch vụ đơn lẻ (microservices), có thể chạy độc lập và dễ tích hợp, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số theo nhiều giai đoạn phù hợp với năng lực chuyển đổi của nhân sự, tài chính và hệ thống đang có; trao đổi, chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa nhằm hiểu sâu hơn các bài toán của lĩnh vực báo chí truyền thông để đưa ra giải pháp CĐS phù hợp và tối ưu.

Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VCCorp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.