Có rất nhiều ý kiến thẳng thắn về hoạt động báo chí đã được các đại biểu nêu ra trong 4 hội nghị do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 26 - 27.10 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Nhiều người tưởng rằng họ biết tất cả trên mạng xã hội
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay thông tin trên internet và truyền thông xã hội rất đa dạng, thậm chí dẫn đến sự hỗn loạn về thông tin.
Ông Lê Quốc Minh nhìn nhận: "Nhiều người cho rằng họ không cần đến báo chí nữa mà vẫn có thể biết tất cả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng người dùng rất dễ bị mắc bẫy các tin giả, tin xấu độc. Những thông tin sai lệch sẽ dễ dẫn đến việc xói mòn niềm tin, hoài nghi với các chính sách của Đảng và Nhà nước; thậm chí là có tư duy tiêu cực với cuộc sống".
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chính trong những lúc này, vai trò của báo chí chính thống trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để định hướng, dẫn dắt độc giả, khán thính giả đi qua một "biển thông tin" nhưng vẫn tìm đúng thông tin đúng đắn.
"Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng đã trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rất quan trọng, trong đó các cơ quan báo chí phải là đơn vị dẫn đầu trong quá trình này", nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.
Cần thay đổi cơ cấu giải thưởng
Tại Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ngày 26.10, các ý kiến bày tỏ trăn trở đến việc hỗ trợ báo chí chất lượng cao thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các đơn vị. Mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm còn rất thấp.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, công chúng đã tiếp cận với các loại hình báo chí mới, báo chí hiện đại. Do đó, Giải Báo chí quốc gia cũng cần phải thay đổi cơ cấu giải thưởng để động viên, khuyến khích báo chí hội nhập, báo chí dấn thân và phát triển.
Tại hội nghị, thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới, đã đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải.
Nhà báo Lê Quốc Minh thẳng thắn nhìn nhận quá trình tổ chức Giải Báo chí quốc gia thì có rất nhiều ưu điểm, nhiều thành công nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập do sự phát triển của thời đại; do sự thay đổi của báo chí truyền thông trong thời đại hiện nay.
"Chúng tôi thấy rằng cần phải có những trao đổi đặc biệt từ các cơ quan báo chí của địa phương để điều chỉnh các vấn đề chưa phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia Giải Báo chí quốc gia để đạt kết quả cao nhất", nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.
Kiến nghị về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ
Vấn đề đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cũng được nhiều đại biểu tham dự các hội nghị đưa ra. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần mở thêm nhiều lớp nghiệp vụ, đặc biệt là ở các địa phương. Trả lời về vấn đề này, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết phía Hội Nhà báo Việt Nam đã kiến nghị tăng thêm kinh phí cho hoạt động đào tạo nghiệp vụ của Hội.
Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết cảm thấy ấn tượng với Báo Thanh Niên khi sơ kết chương trình đào tạo của Hội Nhà báo Việt Nam với Google thời gian gần đây.
"Trong số hơn 80 cơ quan báo chí tham gia ở giai đoạn đầu và 14 cơ quan báo chí ở giai đoạn đào tạo 1:1 thì Báo Thanh Niên đạt được hiệu quả rất cao. Chúng tôi đánh giá thành công này đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng biên tập Báo Thanh Niên và Phó tổng biên tập phụ trách vấn đề chuyển đổi số. Bộ phận trực tiếp tham gia cùng với đối tác cũng rất là am hiểu, cho nên đã rất nhanh chóng phát huy kết quả", ông Lê Quốc Minh nói.
Cần thay đổi cơ cấu Giải Báo chí quốc gia để khuyến khích sự dấn thân
Những kiến nghị "nóng"
Tại hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua "xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" và hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 979 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào buổi chiều 26.10, vấn đề nóng nhất được thảo luận là việc quản lý phóng viên thường trú. Tại đây, lãnh đạo Báo Thanh Niên đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc quản lý phóng viên thường trú ở địa phương.
Các ý kiến tại hội nghị kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tăng cường cơ chế kiểm soát, chế tài mạnh mẽ tình trạng vi phạm bản quyền. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường cơ chế kiểm soát cộng tác viên, phóng viên các tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp… khi về địa phương hoạt động báo chí sai tôn chỉ, mục đích; hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của các phóng viên chân chính.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các địa phương, cần tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên thường trú các tỉnh, thành về nghiệp vụ; đồng thời phổ biến kịp thời, cụ thể hơn các quy định mới ban hành liên quan đến nghề nghiệp người làm báo.
Về phía các địa phương, cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ và thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tham dự 4 hội nghị có Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, các Phó chủ tịch Hồ Đức Lợi (thường trực), Trần Trọng Dũng (phụ trách phía nam).
4 hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 26 - 27.10 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, gồm: Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao; Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 979 của Hội Nhà báo Việt Nam; Hội nghị báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số và Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Bình luận (0)