Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Báo Thần chung của Diệp Văn Kỳ

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
27/06/2022 06:41 GMT+7

Trần Huy Liệu rời Đông Pháp thời báo vào tháng 8.1927, lập trường của tờ báo sau đó là đối lập ôn hòa theo chủ trương của Nguyễn Kim Đính.

Nhưng từ tháng 9.1927, với sự xuất hiện của vị tiến sĩ luật từ Paris về là Diệp Văn Kỳ, Đông Pháp thời báo chuyển hướng thành một tờ báo đa dạng thông tin.

Tháng 9.1927, Diệp Văn Kỳ đấu thầu mua lại tờ Đông Pháp thời báo nhưng thất bại. Không từ bỏ ý định, ông Kỳ thỏa thuận với Nguyễn Kim Đính về việc đầu tư số tiền 20.000 đồng bạc Đông Dương vào tờ báo này để cùng điều hành.

Theo hợp đồng ký kết, Nguyễn Kim Đính vẫn là chủ nhân và quản lý tờ Đông Pháp thời báo, Diệp Văn Kỳ đứng vai trò chủ nhiệm (kể từ số ra ngày 14.10.1927). Để có khoản tiền lớn này, ông Kỳ đã thế chấp 8 căn nhà ở Sài Gòn của cha vợ mình (địa chủ Lê Quang Hiển ở Sa Đéc) (Philippe M.F. Peycam, The birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930 (Làng báo chính trị Sài Gòn 1916-1930), Columbia University Press, 2012, tr.167). Sở dĩ Diệp Văn Kỳ chọn giải pháp này là vì bấy giờ chính quyền thuộc địa hạn chế cấp phép báo quốc ngữ, mặt khác Đông Pháp thời báo là tờ báo độc lập, có chính kiến và lượng độc giả lớn.

Tờ Đông Pháp thời báo, số ra ngày 14.10.1927, với tên của Diệp Văn Kỳ xuất hiện trên măng-set

Để phát triển tờ báo và đa dạng hóa thông tin, Diệp Văn Kỳ lần lượt mời Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu từ Hà Nội vào Sài Gòn phụ trách phụ trương văn học của Đông Pháp thời báo, tiếp đến mời nhà văn miền Bắc là Ngô Tất Tố vào Sài Gòn cộng tác, mời Nguyễn Văn Bá của báo L’Écho Annamite về làm chủ bút Đông Pháp thời báo vào tháng 8.1928, và các ký giả nổi tiếng khác như Đào Trinh Nhất, Nam Đình, Vân Trình, Phan Văn Hùm… cộng tác.

Như đã nói, báo chí quốc ngữ luôn bị chính quyền thuộc địa Sài Gòn gây khó dễ và sách nhiễu, Đông Pháp thời báo cũng bị hăm dọa rút giấy phép, những độc giả của tờ báo thuộc diện “chống đối” này thường bị ngăn chặn thư tín và đe dọa tương tự như lúc Nguyễn An Ninh làm La Cloche Fêlée (Peycam, sđd, tr.171). Theo báo cáo hằng tháng của Sở Mật thám Pháp, vì khó khăn, tháng 6.1928 Diệp Văn Kỳ phải về tận miền Tây thu tiền của các độc giả đặt mua báo dài hạn nhưng chưa thanh toán (Peycam, sđd, tr.171).

Từ Đông Pháp thời báo đến Thần chung

Cùng với những khó khăn khác về sự cạnh tranh khốc liệt, Đông Pháp thời báo “đình bản” vào ngày 22.12.1928. Nhưng Diệp Văn Kỳ đã có những tính toán riêng, 5 tháng trước khi đấu thầu mua lại tờ Đông Pháp thời báo thì ông Kỳ đã xin giấy phép thành lập một tờ báo và mặc dù bất thành, ông Kỳ không bỏ cuộc và kết quả là ông được cấp phép thành lập tờ báo mang tên Thần chung.

Thần chung có thể nói là sự nối tiếp của Đông Pháp thời báo theo định hướng của Diệp Văn Kỳ (chủ nhiệm), vẫn là ban biên tập và tòa soạn cũ nhưng là tên báo mới, và tham vọng mở rộng biên giới độc giả của tờ báo ra khỏi địa hạt Nam kỳ như trước. Thần chung là nhật báo thông tin và đối lập, ngày 7.1.1929 báo ra số đầu tiên, với Nguyễn Văn Bá đứng tên chủ bút, và nhiều ký giả danh tiếng khác như Bùi Thế Mỹ (bút danh Phiêu Linh Tử), Trịnh Hưng Ngẫu, Phan Khôi (ký bút danh Tân Việt), Phan Văn Hùm.

Tờ Thần chung, số ra ngày 8.1.1929

T.L

Báo Thần chung số 2 (ngày 8.1.1929), trên măng-set (manchette) viết: “Chẳng bao giờ dám tự phụ rằng khỏi sai quấy. Song ‘Thần chung’ dám cả quyết rằng mỗi khi tán dương ai, là vì nghĩ có lợi cho xã hội Việt Nam mới làm, mà có công kích, cũng là vì tưởng chắc có hại cho đoàn thể. Lầm lạc có, chớ thiên vị, ganh ghét, thì tuyệt không”. Cũng ở trang 1, báo đi bài ngắn của ký giả Phan Văn Hùm có nhan đề “Ông Ninh ra chưa?”, Ninh ở đây là Nguyễn An Ninh ra khỏi tù của thực dân chưa, bài có đoạn: “Cái người năm xưa viết báo ‘La Cloche Fêlée’ [Chuông rè] làm cho một góc trời Nam chấn động, bạn thanh niên đột khởi, phồn gian ninh kinh hồn, mà cả nước bước một bước dài trên con đường cải cách; ấy, cái người ấy, hôm nay còn ngồi trong ngục, không biết lúc ra!...”.

Đến số 15 (ngày 23.1.1929), Thần chung bắt đầu cho đăng ký sự (nhiều kỳ) Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm, nhưng đến số 34 (ngày 26.2.1929), báo buộc phải dừng loạt ký sự này. Trên măng-set có dòng “Không cho nói chuyện Khám Lớn nữa, vậy mà quan Thống đốc có xét coi những chuyện ông Hùm đã nói có đúng với sự thật không?”, ở phía dưới (ngay trang 1), chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ viết bài “Bài của ông Phan Văn Hùm thôi đăng” với những dòng cảm khái “...Phận mình làm báo quốc ngữ, có lịnh thì phải tuân...”, “cấm chúng tôi đăng bài, chúng tôi cũng chẳng phiền chi, mà ông Phan Văn Hùm có viết lỡ ra rồi, cũng chẳng lấy chi làm vô ích vậy”. Toàn văn ký sự Ngồi tù Khám Lớn sau đó được in thành sách tại nhà in Bảo Tồn (của Diệp Văn Kỳ), sách in trong năm 1929 nhưng rồi cũng bị chính quyền thực dân ra lệnh thu hồi.

Không chỉ bàn về chính trị, báo Thần chung còn đề cập đến các chủ đề văn hóa, giải trí, giáo dục, lịch sử, tôn giáo, đưa tin tức trong nước và quốc tế... với đề tài đa dạng và nội dung phong phú, Thần chung lúc bấy giờ là tờ báo phổ thông thành công bậc nhất ở Nam kỳ thuộc địa.

Thần chung chính thức đình bản ngày 22.3.1930, sau một thời gian bị chính quyền thực dân trấn áp, bấy giờ đang nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái và báo đã tích cực đưa tin. Dù tồn tại không lâu nhưng Thần chung vẫn được biết tới là tờ báo thành công, có tư duy làm báo hiện đại và đổi mới, một diễn đàn chính trị toàn quốc và đứng lên bảo vệ quyền lợi của người Việt trước chế độ thực dân.

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20

Trần Huy Liệu những ngày làm báo

Hiện tượng của làng báo Sài Gòn

Quả chuông rè có âm thanh nghịch tai

'L’Écho Annamite' và 'La Tribune Indigène' một trăm năm trước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.