Báo chí Sài Gòn 'trăm hoa đua nở'

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
22/06/2022 06:55 GMT+7

Sài Gòn là trung tâm đô thị và quyền lực của thực dân ở Nam kỳ , ở đó báo chí là công cụ mà giới trí thức Nam kỳ dùng để chống lại nhà cầm quyền.

Sau khi chiếm Nam kỳ, người Pháp đặt xứ thuộc địa dưới quyền quản lý của các phó đô đốc hải quân. Mãi đến năm 1879, Nam kỳ mới có thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers. Ngay khi đến Nam kỳ, Vilers đã nhận ra sự độc đoán của chính quyền quân sự tiền nhiệm khi thống đốc nắm mọi quyền kể cả tài chính và tư pháp mà không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai, kể cả báo chí vì Nam kỳ lúc đó không có tự do báo chí.

Bìa sách Điều lệ Báo chương hội Nam kỳ xuất bản ở Sài Gòn năm 1934

Sự ra đời của Nam kỳ Báo chương hội

Đầu thập niên 1910, để phục vụ cho việc cai trị nhân dân Nam kỳ, người Pháp đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng như bộ Hình luật canh cải năm 1912 phỏng theo bộ Luật hình sự Pháp năm 1810. Năm 1917, họ thành lập nghiệp đoàn báo chí ở Nam kỳ.

Cuốn sách Điều lệ Báo chương hội Nam kỳ xuất bản năm 1934 cung cấp thông tin rằng trong đại hội nhóm ngày 6.9.1917, các hội viên ưng thuận việc lập ra hội lấy tên Nam kỳ Báo chương hội (Syndicat de la Presse Cochinchinoise) có hội sở tại Sài Gòn, do ông Lucien Héloury - chủ báo Opinion (Công luận) làm chánh hội trưởng.

Một trong các mục đích của hội là “Bào chữa lợi quyền về nghề viết báo của các hội viên và binh vực nghiệp quyền về nghề làm báo”, “Giúp đỡ hội viên khi nào vì chức trách mà phải đến tụng đình…” (điều 2); Quyền làm hội trưởng danh dự thuộc về Toàn quyền Đông Dương, quyền điều hành/kiểm soát thuộc về người Pháp: “Hội sẽ chọn chín vị hội viên hành sự (membres actifs) để làm hội Quản lý, mà trong chín vị hội viên ấy phải có sáu vị dân Tây chiếu theo lời nghị đề ngày 11 Juillet [tháng 7] 1908” (điều 21). Điều lệ này được ban hành ngày 8.9.1917 và được quan Quyền Nguyên soái Nam kỳ Rivet phê chuẩn ngày 14.9.1917.

Trung lập báo, số ra ngày 3.5.1933 với nhiều ô “kiểm duyệt bỏ” ở trang bìa

Thư viện Quốc gia Pháp

Báo chí Nam kỳ theo chủ thuyết của Albert Sarraut

Đời sống văn hóa chính trị giai đoạn này rất sôi động, báo chí Nam kỳ bấy giờ vận hành theo chủ thuyết của Toàn quyền Albert Sarraut - một cựu nhà báo, biết lợi dụng báo chí (quốc ngữ và Pháp ngữ) phục vụ cho mục tiêu chính trị và tuyên truyền văn hóa.

Một số tờ báo ra đời ở Nam kỳ giai đoạn này như Nam Trung nhật báo (ra ngày 10.4.1917), Đại Việt tập chí (ra tháng 1.1918), Nữ giới chung (ra ngày 1.2.1918), La Tribune Indigène (ra ngày 20.8.1917), Quốc dân diễn đàn (ra ngày 28.10.1918)… chủ yếu để tuyên truyền cho nước Pháp trong đệ nhị thế chiến, hoặc làm nhiệm vụ là “cơ quan truyền bá tư tưởng Pháp”.

Những người Việt được liệt vào danh sách “trung thành với nước Pháp” do Sarraut chọn ban đầu gồm có Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) và Lê Quang Liêm của Long Xuyên Khuyến học hội phụ trách tờ Đại Việt tập chí cổ súy cho chính sách “Pháp - Việt đề huề” của Sarraut; Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu phụ trách tờ báo chính trị La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) và phiên bản tiếng Việt của nó có tên gọi Quốc dân diễn đàn (ra tháng 10.1918).

Trong cuốn sách The birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916 - 1930 (Làng báo chính trị Sài Gòn 1916 - 1930) (Columbia University Press, 2012, tr.65), tác giả Philippe M.F.Peycam viết rằng Sarraut duyệt ra tờ Quốc dân diễn đàn (ca tụng những binh lính người Việt đang chiến đấu ở châu Âu) khi nhận được thư đề nghị của Nguyễn Phú Khai, và chỉ thị cho Thống đốc Maspéro đặt mua dài hạn 600 số trong vòng sáu tháng cho binh lính người Việt ở Pháp đọc. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ chính trị chi phối báo chí, phục vụ cho mục đích “giáo hóa” dân bản xứ và mị dân chính trị mà nhà cầm quyền thực dân Pháp thực hiện lúc bấy giờ.

Vụ việc đình bản tờ Nữ giới chung, do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút, sau 5 tháng hoạt động và cho ra tờ Đèn nhà Nam khiến độc giả người Việt tẩy chay tờ báo được cho là “thân Pháp”. Đèn nhà Nam vì thế nhanh chóng đóng cửa sau khi ra đến số thứ 5, chính quyền thuộc địa lo sẽ mất quyền kiểm soát báo chí sau sự cố này.

Đến ngày 17.4.1919, nhóm phụ trách La Tribune Indigène bắt đầu hành động, họ gắn thêm phụ đề cho báo với nội dung “Cơ quan của Đảng Lập hiến Đông Dương” (dẫn theo Peycam, sđd, tr.67) báo hiệu sự chuyển hóa và ra đời của phong trào đấu tranh chính trị công khai của người Việt thông qua công cụ báo chí ở Nam kỳ, dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền thuộc địa.

Làng báo Sài Gòn cuối thập niên 1910 trở thành những lực lượng chính trị đối kháng nhà cầm quyền thực dân, những diễn đàn tranh luận công khai này là thứ đặc sản của đời sống văn hóa tri thức Sài Gòn lúc bấy giờ. Khởi đầu cho một thời kỳ đấu tranh tư tưởng mới của trí thức người Việt thập niên 1920 mà ảnh hưởng của nó vượt ra khỏi địa giới Nam kỳ, điển hình là Tòa Khâm sứ Trung kỳ đã ra nhiều nghị định cấm không cho lưu hành ở Trung kỳ nhiều tờ báo xuất bản ở Nam kỳ như Pháp Việt nhứt gia, Đuốc nhà Nam…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.