Trong khi các mạng xã hội vẫn đang tiếp tục phát triển, sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo đã khiến thông tin trên các kênh phi chính thống ngày càng trở nên đa dạng, khó kiểm chứng và có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Giữa bối cảnh như vậy, để giới trẻ có thể tiếp nhận thông tin theo cách thức đúng đắn, tránh được những cái bẫy hiểm nguy của tin giả hoặc "một nửa sự thật", vừa là thách thức lớn, đòi hỏi báo chí chính thống phải thay đổi, cải tiến về nhiều mặt vừa là cơ hội để thu hút đối tượng độc giả bền vững cho tương lai.
Không gian internet đã trở thành "đời sống thứ 2" của con người, nên cần dạy cho các bạn trẻ khả năng thích ứng với môi trường tin tức internet phức tạp hiện nay giống như cách chúng ta tư duy về việc dạy cho các bạn trẻ học lái xe, học bơi…
Lời đề nghị này của TS Huỳnh Văn Thông, Khoa Báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho thấy một thực trạng người trẻ hiện nay đang lúng túng trong việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và thông tin nguồn chính thống từ báo chí.
Học sinh đang tiếp cận thông tin như thế nào?
Phóng viên Thanh Niên đã chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn 10 học sinh (HS) lớp 9 và lớp 12 tại khu vực Q.1, Q.3 (TP.HCM). Kết quả cho thấy HS nắm bắt về đời sống, xu hướng của giới trẻ theo cách rất riêng.
Dương Nguyễn Khôi Nhi, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), vẫn biết TP.HCM có mưa đá, công nương Kate của Vương quốc Anh bị bệnh ung thư… nhưng "hầu hết thông tin con biết đều từ mạng xã hội đang thịnh hành hiện nay. Xu hướng của tụi con là coi những video ngắn, có hình ảnh và âm thanh chứ không phải là những trang thông tin nhiều chữ".
Tương tự, Nguyễn Minh Quân, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho hay đều có tài khoản trên các mạng xã hội và bật chế độ xu hướng thịnh hành nên ngay khi có thông tin, sự kiện nổi bật thì đều cập nhật tức thời. Sở thích của giới trẻ hiện nay là "lướt lướt" nên những video có dung lượng khoảng 30 giây giúp nắm bắt thông tin nhanh, sinh động. Số học sinh còn lại cũng trả lời câu hỏi với nội dung không khác mấy so với hai bạn kể trên.
Nhiều người chưa được hướng dẫn thẩm định tin tức
Một nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Thông công bố năm 2023 về rối loạn thông tin internet - bối cảnh VN và chiến lược quản lý môi trường thông tin cho ra nhiều kết quả đáng suy ngẫm.
Khảo sát được thực hiện với hơn 900 người, trong đó trên 97% trong độ tuổi dưới 50. Đặc biệt có trên 65% số người được khảo sát dưới 35 tuổi. Khảo sát được thực hiện trên cả nước và có tới 24,5% người được khảo sát ở các thành phố lớn. Người được khảo sát cũng đa dạng: viên chức nhà nước, giáo viên, nhân viên văn phòng, bác sĩ, nhân viên y tế, công nhân, nông dân, chuyên gia, nhà quản lý, HS phổ thông, sinh viên (SV)…
Kết quả, có tới trên 83% người trả lời cho biết họ chưa từng tham dự khóa học hoặc hướng dẫn nào về kỹ năng phân tích, thẩm định tin tức.
Trong thực tế, SV các trường ĐH cũng cho biết chưa từng được tiếp cận nội dung giảng dạy liên quan đến việc nhận diện tin tức chính thống. Minh Vương (SV Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cho biết bản thân chưa từng được trang bị kiến thức về việc nhận diện thông tin trong trường học. Tuy nhiên, SV này luôn có ý thức tìm đến các kênh thông tin chính thống như: trang thông tin Chính phủ, báo đài, website các đơn vị cụ thể…
"Nhưng trong bối cảnh nhiều thông tin không kiểm chứng trên các trang mạng hiện nay, một vấn đề nhưng có nhiều thông tin dẫn dắt với những ý đồ khác nhau dẫn đến sai lệch. Do đó, việc đưa vào giảng dạy kỹ năng phân tích, thẩm định tin tức cho người học là cần thiết. Việc này có thể làm ngay từ bậc THCS khi HS được tiếp cận nhiều với các thiết bị điện tử và kênh trực tuyến", Minh Vương chia sẻ.
Xây dựng kỹ năng sinh tồn trong 'hệ sinh thái điện tử'
Thầy Trần Tuấn Anh, Trường THCS Colette (Q.3), cho biết trên mạng xã hội hiện nay thông tin khá đa dạng. Có những tin giả có thể dẫn đến những hệ lụy trước ngưỡng bước vào đời của người trẻ như dịch vụ giới thiệu việc làm lương cao, bạn bè rủ rê tham gia vào các hội nhóm chưa kiểm chứng độ an toàn... Trong khi đó, tâm lý của HS thường "a dua" theo số đông.
Theo thầy Tuấn Anh, hiện nay trong trường học thông qua những buổi sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa như cách tiếp cận hiệu quả mạng xã hội hoặc giáo viên có thể minh họa vào các bài học về tôn trọng sự thật, vi phạm pháp luật… để giúp HS biết chọn lọc thông tin chính xác.
Trước thực tế này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho rằng không những cần giáo dục HS kỹ năng sử dụng mạng xã hội giúp các em có sự an toàn trực tuyến, mà còn phải giúp HS có kỹ năng phân biệt giữa thông tin chính xác và tin rác, tin giả. Đây là kỹ năng quan trọng trong thời đại số. Tuy nhiên, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay những kỹ năng, nội dung cần giáo dục cho HS về vấn đề này lại không thuộc phạm trù môn học nào, không có giáo trình. Việc tuyên truyền, giáo dục sử dụng mạng xã hội văn minh chỉ nằm ở chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm của từng trường học.
Từ thực tế này, TS Huỳnh Văn Thông nhìn nhận: "Không gian internet là một hệ sinh thái điện tử mà con người phải học cách để thích nghi và xây dựng cho mình những kỹ năng sinh tồn mới trong hệ sinh thái đó". "Điều này có nghĩa, chúng ta nên tư duy vấn đề dạy cho các bạn trẻ khả năng thích ứng với môi trường tin tức internet phức tạp hiện nay giống như cách chúng ta tư duy về việc dạy cho các bạn trẻ học lái xe, học bơi", TS Thông phân tích.
Đề xuất cụ thể hơn, TS Huỳnh Văn Thông cho rằng cần một lộ trình có tính sư phạm phù hợp để dạy các bạn trẻ làm quen với tin tức ở dạng đơn giản nhưng tiêu chuẩn, rồi dần dần bắt đầu hướng dẫn nhận ra những sai biệt, dị bản, những biến thể dần đến nhận biết tin giả. Đặc biệt, tự xây dựng năng lực phát hiện tin giả và thích ứng với bối cảnh rối loạn thông tin.
Một giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng: "Nhà trường vẫn cần có những chuyên đề định hướng kỹ năng phân tích và thẩm định thông tin cho người học. Nội dung này có thể thông qua buổi sinh hoạt lớp với giáo viên chủ nhiệm hoặc trong các buổi sinh hoạt đầu khóa với SV năm nhất. Kỹ năng này rất quan trọng với người trẻ trong bối cảnh thông tin đa dạng như hiện nay, giúp các em tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra có thể bị vi phạm pháp luật, bị đối tượng xấu lợi dụng…".
Trong khi đó, TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết thẩm định tin tức đã chính thức được đưa vào chương trình đào tạo chính quy như một môn học bắt buộc của khoa Quan hệ công chúng và truyền thông. Không chỉ chương trình học, trường còn tích cực tham gia dự án nghiên cứu quốc tế về thẩm định tin tức. (còn tiếp)
Bình luận (0)