Báo chí Việt Nam đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược

17/03/2024 06:25 GMT+7

Chiều 16.3, Diễn đàn báo chí toàn quốc trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 tại TP.HCM bế mạc sau 1 ngày rưỡi làm việc gồm phiên toàn thể và 10 phiên thảo luận. Đến dự có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Thảo luận trao đổi về 10 vấn đề trọng yếu của báo chí VN

Phát biểu bế mạc, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo VN, cho biết 10 phiên thảo luận trao đổi về 10 vấn đề trọng yếu của báo chí VN có sự tham gia của 60 diễn giả, khách mời trong nước và quốc tế, thu hút hàng ngàn người tham dự. Không khí các phiên thảo luận rất hồ hởi, có phiên dự kiến 11 giờ 30 kết thúc nhưng kéo dài đến 12 giờ 30 mới xong.

Diễn đàn đã tập trung cao độ vào các vấn đề quan trọng như: nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI); phát thanh năng động trong môi trường số; nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra; đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn; đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí; mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Báo chí Việt Nam đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược- Ảnh 1.

Nhà báo Lê Quốc Minh tặng hoa cảm ơn các diễn giả, điều phối các phiên thảo luận

SỸ ĐÔNG

Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá các ý kiến của diễn giả, khách mời và sự tương tác tại các phiên thảo luận đã góp phần làm sáng tỏ hơn những chủ đề; gợi mở cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí hướng đến ứng dụng và các giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược cho các cơ quan báo chí.

Với sự thành công của lần đầu tổ chức, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết Hội Nhà báo VN sẽ nghiên cứu để diễn đàn trở thành hoạt động thường niên của những người làm báo.

PHẢI "TRỊ" CHO ĐƯỢC NẠN XÂM PHẠM BẢN QUYỀN

Tại phiên thảo luận về chủ đề Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số, các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý đã mổ xẻ thực trạng xâm phạm bản quyền và gợi mở giải pháp cho vấn nạn nhức nhối này.

Nhà báo Dương Quang, Phó tổng biên tập Báo Người Lao Động, nêu dẫn chứng đầu năm 2024, báo đăng phóng sự ảnh về một lễ hội ở H.Châu Thành (Long An) mà phóng viên phải lăn lộn cả ngày mới có. Sau đó, phóng sự này bị một đài truyền hình tầm cỡ ở khu vực miền Tây xử lý lại thành clip đăng trên nền tảng mạng xã hội mà không hề ghi nguồn.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: ‘Hội Báo toàn quốc 2024 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người’

"Còn bao nhiêu kênh YouTube khác đã, đang "nấu cháo trên lưng đồng nghiệp" như thế này?", nhà báo Dương Quang đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị khi sửa luật Báo chí cần có chương riêng về bản quyền và bảo vệ bản quyền.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã có lúc một số cơ quan báo chí có số lượng bạn đọc lớn từng ngồi lại để ký cam kết không vi phạm bản quyền của nhau. Đây là một dạng thức "thỏa thuận quân tử" có ý nghĩa về mặt truyền thông và trên thực tế cũng phát huy được hiệu lực giữa các bên ký kết.

Báo chí Việt Nam đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược- Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, trao đổi giải pháp giải quyết nạn xâm phạm bản quyền báo chí

SỸ ĐÔNG

Tuy nhiên, cũng bởi tính chất và phạm vi giới hạn của thỏa thuận, mức độ lan tỏa của tinh thần pháp quyền đó rất hạn chế. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng việc chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển.

Nêu một số giải pháp để hình thành được một liên minh bản quyền báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng cần thống nhất đây là một liên minh của tất cả cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Liên minh phải thống nhất được những "luật chơi" có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền "bảo chứng" cũng như đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài...

ƯU TIÊN NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ

Tại phiên thảo luận về đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn, nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ Báo Thanh Niên thực hiện nhiều kế hoạch về chuyển dịch nội dung hay cắt giảm chi phí để đầu tư công nghệ. Xác định đầu tư công nghệ là đầu tư cho tương lai, tờ báo đã đầu tư mạnh mẽ hệ thống CMS (quản lý nội dung), xây dựng nội dung đa phương tiện, phát triển tin tức trên nhiều nền tảng.

Tuy nhiên, hiện việc đầu tư công nghệ, AI cho các cơ quan báo chí còn nhiều bất cập nhất định, khi vẫn còn bị chi phối bởi các quy định chưa phù hợp với đặc tính của sản phẩm CNTT, đặc điểm của thị trường công nghệ VN, chủ yếu dành cho các dự án xây lắp, mua sắm trang thiết bị phần cứng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia Chương trình Google News Initiative (Tập đoàn Google), cũng cho rằng để tăng hiệu quả tiếp cận bạn đọc của báo chí, các cơ quan báo chí cần hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả. Từ đó, các đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, mở rộng phân phối, phát triển doanh thu và xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: ‘Người dân TP.HCM khiến tôi bất ngờ khi tổ chức Hội Báo toàn quốc 2024’

Tham gia ý kiến, ông Lee Kah Whye, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), cho rằng các cơ quan báo chí có mức độ trưởng thành số khác nhau, do đó cần thêm nhiều diễn đàn để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Gian trưng bày Báo Thanh Niên tạo sức hút

Ngày 16.3, Hội Báo toàn quốc bước sang ngày thứ 2. Từ sáng sớm, nhiều khách tham quan đã có mặt ở gian trưng bày của Báo Thanh Niên chờ xin chữ của kỷ lục gia thư pháp Võ Dương.

Bạn Hoàng Mai Anh, 21 tuổi, đến từ sớm nhưng đã có nhiều bạn xếp hàng phía trước. Mai Anh xin chữ là tên mình kèm thêm hai chữ An Nhiên, Hạnh Phúc. Còn bạn Thiên Kim, sinh viên ngành báo chí, xin chữ Bình An về tặng mẹ của mình.

Báo chí Việt Nam đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược- Ảnh 3.

Các bạn trẻ hào hứng chụp hình khoảnh khắc trải nghiệm gian trưng bày Báo Thanh Niên tại Hội Báo toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Em rất vui khi Hội Báo toàn quốc lần đầu tổ chức tại TP.HCM. Em sẽ tranh thủ thời gian tham gia cả 3 ngày diễn ra sự kiện này", Thiên Kim cho biết. Trong hai ngày qua, ông đồ Võ Dương luôn bận rộn viết thư pháp để gửi tặng hơn 400 bức thư pháp miễn phí trao tận tay khách tham quan gian trưng bày Báo Thanh Niên.

Tại gian trưng bày Báo Thanh Niên, các tiết mục đố vui có thưởng, check-in gương mặt trang bìa cũng thu hút đông đảo khách tham quan từ sáng đến tối. Khách tham quan trả lời đúng hai câu hỏi về kiến thức đời sống, xã hội và nhìn hình đoán chữ sẽ được quay trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị.

Riêng trong sáng 16.3, Báo Thanh Niên cũng trao 3 phần quà đặc biệt cho khách tham quan trả lời đúng 5 câu liên tiếp. Các ấn phẩm và sách tổng hợp từ các cuộc thi viết Hào khí miền Đông, Nghĩa tình miền Tây, Món ngon Hà Nội, Sống đẹp... do Báo Thanh Niên tổ chức cũng được gửi tặng bạn đọc trong những ngày diễn ra hội báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.