Tờ Tiểu thuyết thứ bảy nổi tiếng đã từng được in ở nhà in trông như thế nào? Câu trả lời có trong triển lãm trực tuyến Báo chí ở VN trước năm 1945, khai mạc hôm qua (21.6) trên website và fanpage của Trung tâm lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (https://archives.org.vn/baochi). Đó là nhà in Tân Dân, một tòa nhà 3 tầng, do nhà viết kịch Vũ Đình Long thành lập năm 1930. Tân Dân không chỉ in tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy mà còn in tạp chí Tao Đàn và tủ sách Tao Đàn.
Triển lãm còn trưng bày bức ảnh toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) được thành lập năm 1913, giúp hình dung rõ hơn về công nghiệp in ấn và báo chí trước 9145. Nếu như ảnh nhà in Tân Dân là tư liệu của nhà sưu tập sách báo Nguyễn Phi Dũng thì ảnh nhà máy Đáp Cầu lại có nguồn từ Thư viện quốc gia Pháp
Triển lãm Báo chí ở VN trước năm 1945 được chia làm 2 phần. Phần một Những cột mốc làng báo giới thiệu một số mốc quan trọng trong lịch sử báo chí từ khi người Pháp xâm chiếm Nam kỳ đến trước năm 1945. Phần hai Ấn loát và lưu hành gồm tư liệu về phát hành và lưu hành báo chí như giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.
Tại triển lãm, có thể thấy lịch sử đã đưa Nam kỳ trở thành cái nôi của báo chí hiện đại VN. Báo chí được phát hành tại Nam kỳ từ những năm 1860. Trong khi đó, phải đến thập niên 1880, những tờ báo đầu tiên mới xuất hiện ở Bắc kỳ. Từ đó đến năm 1945, hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ quốc ngữ đã ra đời ở cả ba miền. Báo chí du nhập vào VN kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như sản xuất giấy in, in ấn, phát hành và quảng cáo.
Ban đầu, báo chí chủ yếu đăng tải các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa. Chính quyền Pháp vừa sử dụng báo chí phục vụ mục đích cai trị và khai thác thuộc địa, vừa tìm nhiều cách hạn chế quyền tự do ngôn luận của các nhóm tiến bộ. Ngược lại, các cá nhân, tổ chức yêu nước của VN cũng tích cực biến báo chí thành công cụ đấu tranh để lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc, cho đồng bào.
Trong trưng bày, công chúng có thể xem Gia Định báo - được coi là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của VN. Báo ra mắt năm 1865 tại Sài Gòn, do Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm chủ nhiệm. Trong khi đó tờ Đại Nam đồng văn nhật báo lại được chia nửa chữ quốc ngữ, nửa chữ Hán. Phần chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương…
Bình luận (0)