Tờ báo thuở xưa: Cuộc triển lãm báo chí đầu tiên

21/06/2023 08:05 GMT+7

Báo chí nước Việt ra đời nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng phải đến năm 1942, lần đầu tiên một cuộc triển lãm sách báo quy mô lớn được thực hiện bởi nhà sách Nguyễn Khánh Đàm, số 12 phố Sabourain (đường Lưu Văn Lang nay), Sài Gòn từ ngày 11 - 18.7.1942 với chủ đề "Tuần lễ triển lãm sách báo và hình các văn nhân thi nhân Việt Nam".

Sự kiện vẻ vang của làng báo Việt

Nội dung cuộc triển lãm sau đó được in thành sách Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ qua cuộc triển lãm sách báo mở tại "Saigon ngày 11 Juillet 1942" ở nhà sách Nguyễn Khánh Đàm, do nhà in Tân Dân thực hiện.

Trong cuộc triển lãm, lần đầu tiên lịch sử báo chí nước nhà được bày ra không chỉ bằng chữ mà bằng cả hiện vật cho độc giả và khách tham quan. Đó cũng là cái sự vẻ vang cho báo chí nước nhà. Sự kiện này do Sở Thông tin và Tuyên truyền Nam kỳ bảo trợ, Dân báo số 916, ra ngày 11.7.1942 thông tin. Triển lãm được thực hiện với cả sách và báo, nhưng để không làm loãng nội dung, bài viết chỉ tập trung vào mảng báo chí trong triển lãm.

Tờ báo thuở xưa: Cuộc triển lãm báo chí đầu tiên   - Ảnh 1.

Báo Sài Gòn số 15.108, ra ngày 13.7.1942 thông tin về cuộc triển lãm sách báo

Để có được tư liệu trưng bày, là biết bao thư từ tới văn thi sĩ, ký giả để xin ảnh, tư liệu, và công lao sưu tầm sách báo cần thiết. Người sẵn lòng cũng nhiều, nhưng ngược lại, ông Nguyễn Khánh Đàm cảm thán: "Có rất nhiều thi gia, văn sĩ, học giả vì quá thận trọng cũng có, vì quá khiêm tốn cũng có, đã từ chối không sẵn lòng cho chúng tôi mượn ảnh. Chúng tôi đã phải khổ công tìm tòi ở các báo chí cũ những tấm hình nhỏ lâu ngày đã phai lợt để dùng tạm vậy. Có nhiều danh sĩ, nhiều nhà hiếu học, nhiều nhà hiếu cổ đã giữ được nhiều sách vở, báo chí, di vật, và bút tích của các bậc tiền bối, cũng vì quá thận trọng mà khiến cho chúng tôi phải mang tội với các khách văn chương".

Trước ngày triển lãm, đơn vị tổ chức đã quảng cáo rầm rộ, treo băng rôn ở nhiều đường phố, dán tờ rơi quảng cáo khắp nơi, có lời rao trên các mặt báo.

Buổi khai mạc diễn ra lúc 4 giờ chiều ngày 11.7.1942 thu hút đông đảo văn thi sĩ, ký giả trong Nam với một số gương mặt như Trương Vĩnh Tống, Hồ Biểu Chánh, thậm chí là những tay bút mực ngoài Bắc cũng có mặt như Vũ Đình Long, Trương Tửu, Nguyễn Đình Lạp…; theo lời Dân báo số 917, ra ngày 13.7.1942.

Theo thông tin bài "Dạo quanh cuộc triển lảm [lãm] báo chí, sách vở Việt Nam" trên Điễn tín số 2.323, ra ngày 13.7.1942, ở tầng trệt trưng bày nhiều sách cổ kim. "Trên lầu là chổ [chỗ] chưng [trưng] bày báo, chí và tranh ảnh cũa [của] các người có công với quốc văn, quốc ngử [ngữ]", báo Sài Gòn số 15.108, ra ngày 13.7.1942 ghi. Trên tường ở lầu trưng bày báo chí, ảnh của văn nhân, thi sĩ, ký giả nhiều thế hệ, từ Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh đến Trương Vĩnh Ký, tiếp Phan Kế Bính, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh rồi những Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan… được treo trang trọng.

Tờ báo thuở xưa: Cuộc triển lãm báo chí đầu tiên   - Ảnh 2.

Tờ Đại Nam đồng văn nhật báo [Đăng cổ tùng báo] số 819, ra ngày 26.9.1907

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Một lịch sử tiến bộ vượt bậc

Vẫn lời Dân báo số 917, "chúng ta được trông thấy nhửng [những] tờ báo quốc ngử [ngữ] củ [cũ] xưa nhứt cũa [của] ta và có lẻ [lẽ] đũ [đủ] tất cã [cả] các báo chí khác xuất bản trong vòng vài ba mươi năm nay khắp ba kỳ". Với công phu chuẩn bị, sưu tầm của ông Đàm, chủ nhân cuộc triển lãm, nhiều tờ báo, tạp chí đã được hiện diện tại đây, khái lược bằng hiện vật sống những tờ báo có mặt trong tiến trình báo chí Việt Nam. "Bày hai bên tường đũ [đủ] các nhửng [những] báo xưa nay, từ tờ báo đầu tiên là tờ Gia Định báo, đến những tờ tạp chí văn hóa đầu tiên như Nam Phong, Đại Việt tạp [tập] chí, Đông Dương tạp chí… cho đến báo ngày nay". Đó là điểm tên vài báo, tạp chí trong tường thuật của Sài Gòn số 15.108.

Để hiểu kỹ hơn về báo chí được trưng bày trong cuộc triển lãm này, xem sách Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ được xuất bản sau triển lãm sẽ tường tận hơn. "Hai dãy bàn dài xếp không biết bao nhiêu là báo chí, mỗi báo một cuốn, từ Gia Định báo, Đại Nam đồng văn [nhật báo], Đăng cổ [tùng báo], Nam Phong, Lục tỉnh Tân văn, Đông Dương tạp chí, Đại Việt [tập chí], đến những cuốn bắt đầu in đẹp như Đông Tây, Hà thành ngọ báo, Nhật Tân rồi đến những báo hiện giờ đương xuất bản như Đông Pháp, Saigon [Sài Gòn], Tin Mới, Dân báo, Hạnh phúc…".

Thuyết minh cho cuộc triển lãm, sách trên cũng trình bày lược sử tổng quan về "Lịch trình tiến hóa của báo chí Việt Nam" qua các ký giả nổi tiếng gắn với những tờ báo, để lại dấu ấn lớn trong làng báo với một số tên tuổi: Bonard, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Tích Chu… hoặc những tờ: Gia Định báo, Courrier de Saigon, Đông Dương tạp chí, Đông Tây…

Mô tả về không gian triển lãm, sách cũng đúc kết nghề báo nước Việt "tự đó đến nay, một thế kỷ chưa qua mà nghề báo của ta tiến bộ được như bây giờ - in đẹp, trình bầy khả quan, lại có ảnh chụp, tranh vẽ - thiết tưởng đó cũng là một sự đáng mừng cho dân ta vậy". Dù là triển lãm sách báo tư nhân, nhưng với công phu thực hiện đã gây được ấn tượng tốt đẹp đối với đại chúng. Báo Sài Gòn số 15.106, ra ngày 10.7.1942 dành những lời tốt đẹp ngay trước ngày khai mạc: "Ông mở một cuộc triển lãm mà từ trước đến nay khắp Đông Dương chưa thấy: những ảnh văn sỉ [sĩ] thân mến của bạn đọc, các sách báo củ [cũ], nhửng [những] sách báo hiếm […] Thật là một cuộc triển lãm có ý nghĩa biễu [biểu] được một cái đặc tính của nhơn sỉ [sĩ] lục châu vậy".

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.