(TNO) Truyền thông Trung Quốc ngày 25.1 cho rằng chuyến thăm Ấn Độ lần thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ là một động thái “nối lại quan hệ hời hợt” do hai nước còn nhiều bất đồng khó giải quyết.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trò chuyện thân mật tại một khu vườn ở New Delhi hôm 25.1 - Ảnh: Reuters
|
Đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) theo dõi sát sao chuyến thăm của ông Obama và đã cho truyền hình trực tiếp cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp đón tổng thống Mỹ tại sân bay.
Bản tin của CCTV còn kèm theo câu hỏi chuyến thăm Ấn Độ của tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc và liệu nó có nằm trong chiến lược kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực hay không.
Trong bài xã luận của mình, Tân Hoa xã cho rằng chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Obama “mang tính tượng trưng nhiều hơn là thực tế do giữa hai cường quốc này vẫn còn tồn tại chia rẽ kéo dài”.
“Chỉ mới cách đây một năm thôi, các nhà ngoại giao Mỹ đã bị trục xuất khỏi New Dehli trong thời điểm dư luận Ấn Độ phẫn nộ với cách Mỹ đối xử với một nhà ngoại giao Ấn Độ tại New York và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi đó còn là thủ hiến bang Gujarat, đã bị cấm đến Mỹ”, theo bài xã luận của Tân Hoa xã.
“Hơn nữa, những gì nằm bên dưới động thái nối lại quan hệ hời hợt chỉ đơn thuần là một cuộc giao kèo mà thôi”, truyền thông Trung Quốc bình luận.
Tân Hoa xã còn bình thêm rằng chính sách “Xoay trục về châu Á” của ông Obama đã bị “lạc lối hoặc thậm chí là chệch hướng” bởi các cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông và Ukraine.
“Ông ta cần thông qua chuyến thăm này để báo với Đồi Capitol và cử tri ủng hộ mình rằng chính quyền của ông ta có thể đạt được tiến triển trong các mối quan hệ quan trọng. Thật sự mà nói, ông ta cần Ấn Độ đứng về phía mình”, Tân Hoa xã nhận định.
Nhận xét về Ấn Độ, bài xã luận cho rằng thắt chặt quan hệ với Mỹ là đường lối phù hợp với chính sách ngoại giao đa diện của Ấn Độ và có thể mang lại lợi ích về thương mại.
“Ba ngày chắc chắn không đủ để ông Obama và ông Modi trở thành bằng hữu thật sự do cả hai vẫn còn những bất đồng khó giải quyết về các vấn đề như biến đổi khí hậu, tranh chấp nông nghiệp và hợp tác năng lượng hạt nhân”, theo Tân Hoa xã.
“Nói về hợp tác năng lượng, cả Washington và New Delhi từ lâu đều đã mắc vào một vũ điệu phức tạp từ hồi năm 2008… Với chừng đó những bất đồng, thật khó khăn để ông Obama kéo được Ấn Độ đứng về phía mình”, hãng thông tấn này kết luận.
Bình luận (0)