Mỹ - Ấn Độ 'khai thông' thỏa thuận hạt nhân dân sự

26/01/2015 05:01 GMT+7

(TNO) Mỹ và Ấn Độ vừa đạt được sự 'khai thông' trong thỏa thuận hạt nhân dân sự, vốn đã bị bế tắc từ khi kí kết vào năm 2008, theo Hindustan Times .

(TNO) Mỹ và Ấn Độ vừa đạt được sự 'khai thông' trong thỏa thuận hạt nhân dân sự, vốn đã bị bế tắc từ khi kí kết vào năm 2008, theo Hindustan Times.

Tổng thống Mỹ, Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi - Ảnh: AFP
“Hôm nay, Mỹ và Ấn Độ đã hóa giải các khúc mắc về chương trình hạt nhân dân sự. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các điều khoản bổ sung. Đây là một bước tiến quan trọng để thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trong một hội nghị, nhân chuyến thăm Ấn Độ ngày 25.1.
Đáp lại lời nói của ông Obama, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Tôi rất vui mừng vì giờ đây hai nước có thể tiến tới hợp tác thương mại, với sự đồng thuận về mặt pháp lý của đôi bên và tuân theo luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết hiệp định hạt nhân dân sự từ năm 2008 nhưng có hai vấn đề lớn đã làm ngăn cản sự hợp tác song phương giữa hai cường quốc.
Thứ nhất, theo luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ, các nhà cung cấp thiết bị hạt nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ và Pháp cho rằng Ấn Độ phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, nghĩa là trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý, theo Hindustan Times.
Thứ hai, phía Mỹ yêu cầu được biết nguồn gốc của các nguyên liệu cung ứng, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, ông Richard Verma cho biết trên Reuters.
Mỹ và Ấn Độ đã tìm được tiếng nói chung trong chương trình hạt nhân dân sự - Ảnh: AFP
Từ trước đến nay, ở Ấn Độ, tất cả các chương trình hạt nhân đều thuộc sự điều hành của tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia (NPCIL). Nếu theo luật quốc tế, khi có rủi ro hạt nhân xảy ra thì mọi trách nhiệm đều thuộc về Chính phủ Ấn Độ.
Năm 2010, Chính phủ Ấn Độ quyết thay đổi bộ luật để mở rộng con đường hợp tác hạt nhân với Mỹ. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư phải mua bảo hiểm về rủi ro hạt nhân của nhà nước và NPCIL sẽ thay mặt các doanh nghiệp để mua gói bảo hiểm này, theo Hindustan Times.
Sau khi đạt được thỏa thuận về hạt nhân, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận sâu về các vấn đề hợp tác quốc phòng, kinh tế, thương mại và biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 25.1 của tổng thống Obama được xem như một nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác lâu dài và chiến lược của Washington với nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.