Báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo, được không?

25/11/2024 18:17 GMT+7

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cho các cơ quan báo chí được quyền tự quyết định về diện tích quảng cáo trên báo in, thay vì 'đóng khung' 20 hay 30%.

Chiều 25.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo. Một trong những nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian cho ý kiến là lĩnh vực quảng cáo trên báo in.

Theo quy định hiện hành, diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo.

Tại dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên báo in lên mức tối đa 30% với ấn phẩm báo hoặc 40% với ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo.

Báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo, được không?- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (trái) và đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

ẢNH: GIA HÂN

"Khó không phải vì thiếu diện tích mà là thiếu quảng cáo"

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đề cập tình trạng quảng cáo trên báo in đang giảm mạnh. Vì thế, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề khó khăn về tài chính của các cơ quan báo chí.

Thay vì tăng phần trăm diện tích quảng cáo một cách cơ học như dự thảo, ông Hòa kiến nghị bỏ quy định về giới hạn diện tích quảng cáo trên báo in, thay vào đó để cho cơ quan báo chí được tự quyết định vấn đề này, luật chỉ nên quy định hình thức quảng cáo sao cho phù hợp, đúng pháp luật.

Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, quảng cáo nhiều hay ít, rộng hay hẹp, hãy do cơ quan báo chí lựa chọn. Nếu vì quá chú trọng quảng cáo mà xa rời nội dung, bạn đọc sẽ là người quyết định tương lai của tờ báo. "Họ thấy chán thì sẽ tẩy chay tờ báo đó", ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, cho rằng khó khăn thực sự của các cơ quan báo chí hiện nay không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà là thiếu quảng cáo. Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác hiệu quả hơn báo in.

Ví von câu chuyện một đoàn tàu thiếu khách, ông Nghĩa cho rằng thay vì giải pháp tăng thêm toa tàu thì phải tìm cách tăng số lượng hành khách đi tàu. Do thị trường có thể biến động, sau này quảng cáo tăng lên, ông Nghĩa ủng hộ kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa, rằng nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ về diện tích quảng cáo trên báo in.

Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu về công tác tuyên truyền, quy định trên sẽ không áp dụng với các cơ quan báo chí đặc thù, báo do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bao tiêu sản phẩm hoặc đặt hàng…

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho hay sẽ làm việc với Bộ TT-TT và một số cơ quan báo chí lớn để thảo luận về kiến nghị của đại biểu. Tinh thần là cố gắng đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí nhưng cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của bạn đọc.

Riêng với kiến nghị về việc giao cho các cơ quan báo chí được tự chủ diện tích quảng cáo trên báo in, Bộ trưởng Hùng nói đây cũng là ý kiến đáng để xem xét, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như hiện nay.

Báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo, được không?- Ảnh 2.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

ẢNH: GIA HÂN

Cần ưu đãi nhiều hơn về thuế

Tại phiên chất vấn hôm 12.11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có đến 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí nay rơi vào mạng xã hội. Điều này khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm đáng kể.

Do đó, Thủ tướng đã ra chỉ thị về truyền thông chính sách, yêu cầu chính quyền các cấp phải tăng cường về truyền thông chính sách, tạo nguồn thu cho báo chí.

Đóng vai trò then chốt trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên sự sụt giảm về nguồn thu trong nhiều năm qua khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về tài chính. Giải pháp nào để hỗ trợ báo chí về mặt tài chính là vấn đề được nhiều đại biểu, cơ quan quản lý rất quan tâm.

Tại kỳ họp thứ 8 lần này, ngoài luật Sửa đổi một số điều của luật Quảng cáo, trong dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ cũng đề xuất một số chính sách ưu đãi với cơ quan báo chí.

Theo đó, áp dụng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với thuế suất phổ thông) đối với cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mức giảm nêu trên là chưa đủ để hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện vẫn còn quá cao.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, kiến nghị "cần giảm thuế sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí".

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy thì kiến nghị áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí không chỉ với phần doanh thu đến từ hoạt động báo chí, mà cần mở rộng với các loại doanh thu khác phục vụ hoạt động cho cơ quan báo chí. Điển hình là cho thuê tòa nhà.

"Chúng ta đầu tư cho báo chí thông qua cái gì? Chính là thông qua ưu đãi thuế từ khoản thu quảng cáo báo chí, kinh doanh tòa nhà cho hoạt động của báo. Thế nhưng các khoản này lại bị tính thuế cao bình thường là chưa hợp lý", bà Thúy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.